Thông tin chuyển đổi số
Chở loa di động len lỏi lên nương để truyền thông đến đồng bào
09/10/2024 02:34:39

Ông Đỗ Thái Hòa, Giám đốc Sở TT&TT Hà Giang, cho biết anh em thông tin cơ sở phải đèo loa di động trên xe máy lên nương, len lỏi vào từng hẻm đá vừa mở nhạc vừa tuyên truyền cho bà con nghe.

Cán bộ thông tin cơ sở tuyến xã phải đèo loa di động trên xe máy lên nương, len lỏi vào từng hẻm đá vừa mở nhạc, vừa tuyên truyền cho bà con nghe. Ảnh: HG

Hệ thống thông tin cơ sở vào cuộc trong chiến dịch tắt sóng 2G

Ông Đỗ Thái Hòa cho biết, tại Hà Giang, việc tắt sóng 2G vẫn đang thực hiện theo đúng chủ trương và lộ trình của Bộ TT&TT. Ban đầu, các địa phương và nhà mạng cũng đã thực hiện việc tuyên truyền cho bà con tại các thôn bản, các phiên chợ, nhưng người dân chưa hiểu công nghệ 2G và 4G như thế nào nên cũng có phần chưa quan tâm. Việc truyền thông về vấn đề tắt sóng 2G để đồng bào dân tộc hiểu là một vấn đề khó khăn. Một nguyên nhân nữa là nhiều người sử dụng điện thoại “cục gạch” 2G thường là những người già, có điều kiện kinh tế khó khăn nên chưa có khả năng chuyển đổi sang điện thoại 4G.

Vì vậy, nhà mạng đã phải sáng tạo ra nhiều cách thức tuyên truyền mang tính trực quan để trình diễn cho bà con xem, nhưng không phải ai cũng được tiếp cận. Bên cạnh đó, các nhà mạng đã thực hiện chương trình tặng máy điện thoại 4G cho người dân để thúc đẩy nhanh quá trình tắt sóng 2G.

“Chúng tôi đã tận dụng tất cả các kênh truyền thông, hệ thống thông tin cơ sở, đặc biệt là hệ thống loa truyền thanh thông minh. Các nội dung truyền thông về tắt sóng 2G được biên soạn bằng nhiều thứ tiếng dân tộc và phát cho từng thôn để phù hợp với những khu vực mà bà con dân tộc sinh sống, với nhiều khung giờ khác nhau tùy thuộc vào nếp sinh hoạt và lao động của bà con. Trong việc thực hiện tắt sóng 2G, hệ thống thông tin cơ sở đã phát huy hiệu quả khi truyền thông trực tiếp và đồng loạt đến với từng thôn bản theo chiến dịch lớn. Ngay cả trong cơn bão số 3 vừa qua, hệ thống thông tin cơ sở đã giúp người dân giảm thiểu thiệt hại, thậm chí đã giúp một số thôn phòng chống lũ quét nguy hiểm”, ông Hòa nói.

 
Ông Đỗ Thái Hòa, Giám đốc Sở TT&TT Hà Giang, cho biết hiện Hà Giang có 2.071 thôn bản và đã có trên 60% số thôn được đầu tư hệ thống loa thông minh. Ảnh: TK

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Viettel Hà Giang và VNPT Hà Giang cho biết, với việc vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống thông tin cơ sở, việc tuyên truyền đến người dân đã diễn ra tốt, giúp cho chủ trương tắt sóng 2G được thực hiện hiệu quả. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ về gói cước và tặng máy 4G cho khách hàng cũng đang được thực hiện. Vì vậy, việc tắt sóng 2G sẽ đảm bảo đúng tiến độ mà Bộ TT&TT đưa ra là ngày 15/10/2024.

Truyền thông qua loa di động đến từng hẻm đá

Ông Đỗ Thái Hòa cho biết, hiện Hà Giang có 2.071 thôn bản và đã có trên 60% số thôn được đầu tư hệ thống loa thông minh. Hà Giang triển khai hệ thống loa thông minh này theo chương trình mục tiêu cho các xã đặc biệt khó khăn. Vì vậy, nhiều thôn, tổ dân phố ở thành phố, thị trấn vẫn chưa được đầu tư hệ thống này. Sắp tới, Sở TT&TT Hà Giang sẽ tham mưu cho tỉnh triển khai đồng loạt với nguồn kinh phí bổ sung để có hệ thống loa thông minh đồng bộ, thống nhất.

Ngoài hệ thống loa thông minh, Hà Giang cũng đã xây dựng kênh thông tin trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook. Các tổ dân phố, thôn bản đều có nhóm Zalo để tiếp cận thông tin. Đây đang là kênh thông tin rất hiệu quả để chuyển tải các thông tin, chủ trương, chỉ đạo của chính quyền đến với người dân.

Trước đây, để chuyển một văn bản của tỉnh, huyện, xã đến với người dân rất vất vả. Hệ thống văn bản quản lý chỉ triển khai được đến cấp xã chứ chưa tiếp cận được đến người dân. Mỗi khi nhận được văn bản, cán bộ xã phải in ra và gọi các thôn bản đến lấy hoặc đi gần chục cây số đường rừng đến phát tận nơi, nên rất mất thời gian và không kịp thời. Thậm chí có nhiều trường hợp cán bộ mang văn bản xuống nhưng trưởng thôn, bí thư lại đi làm nương. 

Thế nhưng, với hệ thống mạng xã hội như Zalo kết nối với các bí thư chi bộ thôn và trưởng thôn, chỉ cần chụp ảnh gửi qua Zalo rất nhanh chóng và tiện lợi. Sau đó, bí thư chi bộ thôn và trưởng thôn cũng gửi vào nhóm Zalo cho người dân, giúp họ tiếp cận văn bản chỉ đạo nhanh và dễ dàng.

“Nhờ có công nghệ, hệ thống thông tin cơ sở đã thay đổi rất nhiều, hỗ trợ tốt cho cán bộ làm công tác thông tin cơ sở. Điều này đã chứng minh công nghệ đã thay đổi phương thức làm việc, tiếp cận thông tin, giúp cho các vùng sâu, vùng xa được kết nối nhanh và dễ dàng hơn. Những người dân có smartphone có thể tiếp cận thông tin qua Zalo, những người không có tivi, smartphone sẽ tiếp cận qua kênh phát thanh thông minh. Trong những chiến dịch truyền thông lớn, chúng tôi sử dụng loa di động được chở trên xe máy chạy khắp thôn bản. Thậm chí, khi người dân đi làm nương từ sáng sớm đến tối mịt mới về, thôn bản chỉ còn người già và trẻ em, vì vậy anh em thông tin cơ sở phải chạy xe máy lên nương, len lỏi vào từng hẻm đá, vừa mở nhạc vừa tuyên truyền cho bà con nghe. Các chương trình truyền thông được xây dựng trực quan, dễ hiểu và thiết thực đến đời sống bà con. Chính đặc thù của Hà Giang là tỉnh miền núi nhiều khó khăn, nên chúng tôi đã xây dựng được kênh thông tin cơ sở đa dạng và hiệu quả, đến mọi người dân”, ông Hòa nói.

Chia sẻ với PV VietNamNet, ông Đỗ Thái Hòa băn khoăn về chế độ chính sách cho những người làm công tác thông tin cơ sở, làm sao để động viên được những cán bộ này tâm huyết với công việc của mình. Mỗi xã hiện nay có một cán bộ làm công tác văn hóa, có nơi kiêm cả lao động thương binh xã hội và kiêm thêm công tác thông tin cơ sở, nên sẽ rất vất vả. Vì vậy, nếu không có cơ chế, chính sách hỗ trợ, sẽ khó có thể đảm bảo cho cán bộ thực hiện công việc có trách nhiệm và tâm huyết hơn.