Thông tin tuyến xã “lột xác” khi chuyển đổi số
5h sáng và 7h15 tối hàng ngày, người dân thôn Thế Trụ, xã Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai được tiếp nhận bản tin của đài xã. Hệ thống loa truyền thanh của xã thông tin đến người dân trong thôn chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật… để bà con trong thôn nắm bắt được và quá trình triển khai các chính sách thuận lợi hơn.
“Khi siêu bão số 3 chuẩn bị đổ bộ vào, nhân dân trong thôn chúng tôi liên tục được cập nhật thông tin từ đài truyền thanh xã để chủ động phòng chống. Nhờ vậy, bà con đã giảm thiểu nhiều thiệt hại do bão gây ra.
Trước đó, khi đại dịch Covid-19, hệ thống đài truyền thanh là kênh thông tin về tình hình dịch bệnh trong khi trên mạng xã hội lan truyền nhiều thông tin không chính thống.
Ngoài hệ thống truyền thanh, thôn cũng có kênh thông tin nhóm Zalo và Facebook với tên gọi ‘Tôi yêu Thế Trụ' để bà con nhân dân nắm bắt thông tin kịp thời mọi lúc, mọi nơi,” ông Nguyễn Quang Tuấn, Trưởng thôn Thế Trụ, xã Nghĩa Hương nói.
Đã có thâm niên 11 năm làm công tác thông tin cơ sở, chị Vương Thị Hồng Giang, Phụ trách đài phát thanh xã Nghĩa Hương, Quốc Oai cho biết, công việc của chị bây giờ đã thuận lợi hơn rất nhiều khi hệ thống truyền thanh được thông minh hóa.
“Trước đây, đài phát thanh của xã sử dụng công nghệ cũ nên hay xảy ra trường hợp âm thanh bị hú, sôi, thậm chí bắt tần số của đài khác nên không đảm bảo chất lượng phát thanh.
Nhưng từ năm 2021, xã Nghĩa Hương đã được đầu tư hệ thống loa thông minh kết nối qua SIM di động, nên việc tiếp sóng, phát sóng đã đơn giản hơn.
Bây giờ tôi có thể xây dựng chương trình phát thanh và cài đặt phát sóng đài xã chỉ cần trên điện thoại di động của mình.
Thậm chí, với hệ thống loa thông minh, có thể cài đặt cho phát từng cụm loa, nên đã chủ động hơn trong công tác thông tin đến người dân,” chị Giang nói.
Chia sẻ tiếp về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch xã Nghĩa Hương cho biết, cách đây 10 năm người dân chờ đợi các chương trình phát thanh, thậm chí nếu khi nào loa truyền thanh của xã chưa phát, là người dân có ý kiến ngay; nhưng hiện nay xã cũng phải nghiên cứu về khung giờ phát sóng để tránh làm phiền người dân, đặc biệt là những hộ gia đình ở gần vị trí loa phát và lựa chọn các thông tin trọng tâm, trọng điểm để phát đến người dân. Bên cạnh đó, xã cũng đưa thêm các hình thức thông tin trên các nền tảng mạng xã hội để người dân dễ tiếp cận.
Thông tin cơ sở phát huy thế mạnh chuyển đổi số
Chia sẻ với VietNamNet, bà Nguyễn Duy Thị Minh Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin và Thể thao huyện Quốc Oai cho biết, trước đây, khi sử dụng hệ thống phát thanh qua sóng FM, thì các đài xã hay gặp tình trạng sóng kém do thời tiết và các nhà cao tầng che chắn, đặc biệt là các xã ở xa trung tâm.
Tuy nhiên, năm 2017, khi Trung tâm thực hiện chuyển đổi số hệ thống phát thanh, thì các xã có thể chọn cách tiếp sóng chương trình phát thanh hoặc có thể tải các file âm thanh qua nhóm Zalo, Facebook hoặc trên cổng thông tin điện tử của huyện để phát lại ở đài xã.
Như vậy, đối với đài xã sẽ không cần phải tiếp sóng trực tiếp và phát theo khung giờ của đài huyện mà có thể chủ động phát sóng theo những khung giờ mà nhiều người có thể tiếp cận nhất, tùy vào điều kiện cụ thể của các xã.
“Trước đây, người dân ở các xã phải nghe theo giờ tiếp sóng của đài huyện. Nhưng hiện nay, với việc chuyển đổi số, huyện Quốc Oai còn phát triển các kênh như: cổng thông tin điện tử, Zalo, Facebook để cho người dân không chỉ có thể tiếp cận thông tin qua các chương trình phát thanh mà còn xem trên nền tảng mạng xã hội bất cứ thời gian nào và có thể tương tác lại trên các nền tảng này,” bà Thu nói.
Đặc biệt, Trung tâm Văn hóa thông tin và Thể thao huyện Quốc Oai đã xây dựng các chương trình truyền hình được phát đều đặn vào các buổi tối hàng ngày có thời lượng từ 10 – 15 phút. Chương trình này cũng được phát trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook và cổng thông tin điện tử.
Chương trình đã được đông đảo nhân dân đón nhận, bởi nó phản ánh kịp thời những tin tức từ chủ trương chỉ đạo của chính quyền đến các hoạt động đời sống của nhân dân trong huyện.
Bà Nguyễn Duy Thị Minh Thu cho biết, hiện Trung tâm đã được đầu tư hệ thống truyền hình hiện đại có thể làm các chương trình truyền hình trực tiếp và được nhân dân trong huyện đón nhận.
Đặc biệt, trong lúc thiên tai, dịch bệnh, chẳng hạn như Covid-19, Trung tâm đã liên tục phát đi những bản tin để cảnh báo dịch bệnh và cách phòng chống, số lượng người bị nhiễm với thông tin chính thống để giải tỏa những nghi ngờ của người dân lúc đó, khi có nhiều thông tin sai lệch tràn lan khiến người dân hoang mang.
Tại thời điểm đại dịch Covid-19, một số cán bộ của Trung tâm cũng nằm trong diện F phải cách ly tại cơ quan, lúc này dựa vào đội ngũ thông tin ở cơ sở để đưa tin về tình hình dịch bệnh kịp thời thông qua chiếc smartphone.
Bằng cách sáng tạo đó, Trung tâm vẫn đảm bảo luôn cập nhật tin “nóng” trên cả kênh truyền hình và phát thanh của huyện.
Qua các kênh mạng xã hội, Trung tâm đã nhận được nhiều phản ánh, đề xuất kiến nghị của người dân để kịp thời cho lãnh đạo huyện Quốc Oai xử lý một cách hiệu quả nhất.
Mới đây nhất, là công tác phòng chống bão số 3 cũng được Trung tâm phát huy tuyên truyền trên các nền tảng để tiếp cận nhanh nhất, kịp thời với tần suất cứ một giờ lại có bản tin để thông tin với người dân giúp bà con chủ động phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Bà Nguyễn Duy Thị Minh Thu cho biết, được sự đồng ý của lãnh đạo huyện, sắp tới Trung tâm còn cho ra mắt chương trình “Dân hỏi, cơ quan chức năng trả lời”, với mục đích muốn bộ máy chính quyền tiếp cận được ý kiến, phản ánh và nguyện vọng của người dân trong huyện và chỉ đạo các cơ quan trong huyện trả lời ý kiến của người dân kịp thời.