Thông tin chuyển đổi số
Lợi ích số hóa hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức
06/09/2023 12:00:00

Công tác số hóa hồ sơ của cán bộ, công chức, viên chức thuộc khối chính quyền trong tỉnh Hải Dương đã hoàn thành và từng bước phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng công việc.

Dễ dàng tiếp cận thông tin

Nhiều tháng nay, khi phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) hoàn thành việc số hóa hồ sơ cán bộ, công chức, đồng chí Đinh Văn Tuyến, Chủ tịch UBND phường thường xuyên vào phần mềm quản lý cán bộ, công chức để nắm bắt thông tin phục vụ công việc. "Vào phần mềm, điều đầu tiên tôi quan tâm là những thông tin mới do cán bộ, công chức mới cập nhật về văn bằng, chứng chỉ, thời gian, quá trình công tác của họ...", đồng chí Đinh Văn Tuyến chia sẻ.

Cũng như ở phường Cẩm Thượng, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, trường học trong tỉnh Hải Dương tích cực thực hiện số hóa hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức. Toàn bộ thông tin về hồ sơ của cán bộ, công chức, viên chức đều được số hóa và đẩy lên phần mềm điện tử. Công việc này góp phần công khai, minh bạch thông tin về mỗi cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là thông tin về quá trình học tập, đào tạo, bồi dưỡng, quá trình công tác, thang bậc lương, thời gian quy hoạch, bổ nhiệm...

Theo số liệu tổng hợp của Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh Hải Dương, tính đến ngày 14/6/2023, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành việc đồng bộ 42.470 hồ sơ (đạt 100% số hồ sơ của cán bộ, công chức, viên chức ở khối chính quyền) lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức do Bộ Nội vụ quản lý. Công việc này bảo đảm tiến độ theo yêu cầu của Bộ Nội vụ.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương, trước khi thực hiện nhiệm vụ của Đề án 06, từ năm 2018, ngành đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về mạng lưới trường lớp, học sinh, đội ngũ cán bộ, giáo viên. Hằng năm, cơ sở dữ liệu của ngành thường xuyên được làm giàu, cập nhật, tinh chỉnh dữ liệu. Thực hiện việc chia sẻ kết nối cơ sở dữ liệu ngành giáo dục với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sở chỉ đạo các cơ sở giáo dục tập trung nguồn lực thu thập, hoàn chỉnh thông tin định danh cá nhân của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trên cơ sở dữ liệu ngành, bảo đảm 100% thông tin "đúng, đủ, sạch, sống".

Tiết kiệm

Việc hoàn thành số hóa hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức đã mang lại nhiều lợi ích trong nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, điều hành của mỗi cơ quan, đơn vị.

Đồng chí Nguyễn Thị Hải Yến, Phó Trưởng Phòng Nội vụ huyện Tứ Kỳ chia sẻ: "Hiệu quả rõ rệt là tiết kiệm kinh phí, không phải đầu tư cơ sở hạ tầng và mua sắm trang thiết bị để quản lý, lưu trữ hồ sơ. Công tác khai thác, cập nhập dữ liệu nhanh chóng, đồng bộ, đạt hiệu quả cao hơn nhiều so với trước đây".

Theo một số lãnh đạo cơ quan, đơn vị, khi hồ sơ của cán bộ, công chức, viên chức được số hóa và đẩy lên phần mềm, rất thuận tiện cho việc theo dõi, tổng hợp, báo cáo. Người đứng đầu cơ quan vào phần mềm sẽ biết được lý lịch, quá trình công tác của từng cán bộ, công chức, viên chức. Khi cần biết thông tin trong năm có bao nhiều người đến hạn nâng lương, đã được quy hoạch, bổ nhiệm từ bao giờ, ai sẽ về hưu... vào phần mềm là có ngay. Công việc này có thể thực hiện được mọi lúc, mọi nơi. Sử dụng điện thoại thông minh cũng đáp ứng được.

Thầy giáo Trần Văn Ta, Hiệu trưởng Trường THPT Cẩm Giàng cho biết: "Số hóa hồ sơ giúp việc quản lý dễ dàng, thuận tiện, tiết kiệm thời gian, có thể cập nhật tình trạng làm việc và công việc mà cán bộ, viên chức đang phụ trách trong từng giai đoạn".

Hồ sơ được số hóa cũng mang lại nhiều tiện ích cho bản thân mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Chị Cao Thị Mai Phương, Công chức tư pháp - hộ tịch phường Tân Bình (Hải Dương) thông tin: "Mỗi khi có thay đổi gì liên quan đến bản thân, chúng tôi vào phần mềm rồi tự cập nhật. Khi cần đến thông tin gì liên quan đến hồ sơ công chức, chúng tôi chỉ cần vào phần mềm trích xuất ra rồi in hoặc chuyển luôn, không phải viết bằng tay như trước đây. Các thông tin của cá nhân được hệ thống, chính xác, rất tiện lợi".