Thông tin chuyển đổi số
Muốn tạo niềm tin số cần phải làm một cách thống nhất
14/08/2023 12:00:00

Thay vì đưa ra các giải pháp riêng rẽ như hiện nay, mỗi nơi mỗi kiểu, muốn chống lừa đảo, tạo niềm tin cho người dân dùng các dịch vụ số cần có sự thống nhất với nhau.

Lời tòa soạn:

Đảm bảo an toàn số ở mức cơ bản để bảo vệ cho mọi người dùng viễn thông, Internet là bước tiến căn bản để tạo ra niềm tin số. Phải có niềm tin số thì mới có chuyển đổi số. Làm gì để người dân củng cố niềm tin số, VietNamNet xin giới thiệu tuyến bài viết phản ánh về vấn đề này.

  • Bài 1: Khi người dùng sợ nghe điện thoại và ngại tham gia môi trường số
  • Bài 2: Cần một giải pháp từ nhà mạng để chặn từ gốc
  • Bài 3: Muốn tạo niềm tin số cần phải làm một cách thống nhất
  • Bài 4: Niềm tin số: Đã mất rồi có lấy lại được không?
  • Bài 5: Công thức lòng tin và an toàn số

Tôi nhận được cuộc điện thoại của người tự xưng là Phòng Thuế Quận Bình Thạnh thông báo doanh nghiệp được hoàn 2% thuế VAT rồi yêu cầu cung cấp thông tin và đề nghị tải App lạ cho điện thoại Android. Sau khi tôi đề nghị kết nối Zalo để gửi thông tin và hỏi kỹ thêm thì người này tắt máy, không liên lạc được. Vài ngày sau, tôi đọc báo và biết được đây là hình thức lừa đảo mới nhắm vào các doanh nghiệp không rõ về chính sách và không rành về công nghệ.

Cách vài ngày trước, tôi cũng nhận được rất nhiều cuộc gọi thông báo các việc làm nhẹ lương cao trên Tiktok, Tiki... Các cuộc gọi này gần như liên tục để dẫn dụ người nghe đăng ký vào một website lạ. Gia đình tôi cũng liên tục nhận được các cuộc gọi với các kịch bản khác nhau như mời mua chuyến du lịch trọn đời hay cảnh báo thông tin ngân hàng đang lộ lọt đề nghị kiểm tra...

Thống kê 6 tháng đầu năm của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), hình thức lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam đã tăng gần 65% so với cùng kỳ năm ngoái và gần 40% so với 6 tháng cuối năm 2022 với 24 hình thức lừa đảo khác nhau. Với mức độ tăng như vậy, không có gì đảm bảo rằng số lượng lừa đảo không tiếp tục tăng trong 6 tháng tới khi tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn. Nghĩa là hàng ngày sẽ có hàng chục ngàn các cuộc gọi lừa đảo, các hình thức "đột nhập" tài khoản mạng xã hội hay hàng triệu email, tin nhắn SMS, tin nhắn OTT... lừa đảo nhắm vào người Việt. Tần suất các cuộc gọi lừa đảo nhiều hơn nhắm vào nhiều đối tượng hơn và các thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn khiến cho nhiều người nhẹ dạ cả tin có thể mắc vào một trong các hình thức lừa đảo dẫn tới có thể mất tiền và cả mất niềm tin với môi trường trực tuyến.

Vậy làm gì để người dân có thể tin tưởng vào các dịch vụ số và tránh được việc bị lừa đảo?

Đầu tiên, có thể thấy là dữ liệu cá nhân đang bị chia sẻ một cách dễ dàng và quá nhiều mà chưa có biện pháp nào thật sự đảm bảo cho các dữ liệu không thể bị chia sẻ. Hàng triệu dữ liệu người dùng từ các nền tảng số, nhà mạng, các doanh nghiệp... được mua bán hoặc có thể bị đánh cắp do hacker. Chưa kể rất nhiều người dùng buộc phải cung cấp thông tin và không rõ dữ liệu của mình có thể được sử dụng cho các mục đích nào và liệu rằng nó có bị chia sẻ cho bên khác hay không?

Nhiều chuyên gia công nghệ nước ngoài cũng cho rằng, người Việt chưa quan tâm nhiều đến dữ liệu cá nhân như các nước phát triển. Do vậy, đây có thể là nguyên nhân không nhỏ của việc lộ lọt. Một báo cáo của VCS năm 2022 cho thấy tình hình lột lọt dữ liệu của Việt Nam đã tăng 20% so với các năm trước với hơn 200 triệu bản ghi bị rò rỉ. Nghị định 13 về bảo về dữ liệu cá nhân vừa được chính phủ ban hành vào tháng 4 được kỳ vọng sẽ giúp tăng vai trò kiểm soát dữ liệu có thể giúp giảm tình trạng này. Dù vậy thực tế các chính sách này cần phải gắn liền với các cơ chế về kỹ thuật mới thực sự hiệu quả.

Thứ hai, tôi nghĩ rằng chúng ta phải có cơ chế báo cáo đa đạng cho người dân có thể báo cáo các vấn đề mà người dân cho rằng có nguy cơ hoặc có tiềm ẩn các yếu tố lừa đảo. Cơ chế này có thể báo cáo thông qua việc báo cáo website, đường link, email, tin nhắn hay các cuộc gọi.

Theo ghi nhận, công cụ các đối tượng lừa đảo nhiều nhất hiện nay là thông qua các cuộc gọi, vì nó đến trực tiếp người nghe với các kịch bản khác nhau. Do vậy đối với công cụ này chúng ta cần cách thức báo cáo một cách dễ nhất và nhanh nhất cho người dân. Ví dụ khi một cá nhân gọi điện đến và người dân đánh giá nội dung trao đổi có thể có yếu tố lừa đảo, thì sau khi cuộc gọi kết thúc, người dân có thể chọn ngay trên màn hình về việc gửi thông tin này. Ngay sau khi có người đánh giá yếu tố lừa đảo nhà mạng cần đưa vào dạng xem xét và tiến hành cảnh bảo cho người dân ngay sau đó, chứ không phải không có cơ chế phản hồi như hiện nay, nghĩa là việc này phải được làm từ gốc. Nhà mạng cần phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan quán lý nhà nước để chặn nhiều hơn các cuộc gọi lừa đảo. Các ứng dụng chặn các cuộc gọi lừa đảo, làm phiền nên được phát triển với sự chủ trì của cơ quan nhà nước hoặc của cộng đồng giúp giảm tỉ lệ các cuộc gọi này.

Thứ ba, vì các hình thức lừa đảo càng ngày càng đa dạng và qua nhiều kênh nhiều hình thức khác nhau, do vậy không thể nào người dân có thể nắm hết các thủ đoạn lừa đảo. Theo tôi, chúng ta có thể xây dựng một cổng thông tin công khai, theo đó người dân được cập nhật các hình thức lừa đảo mới thông qua cổng thông tin này. Thay vì các cơ quan chức năng đang làm một cách riêng rẽ như hiện nay thì nên ngồi lại với nhau, cổng thông tin này cần được chỉ đạo từ cơ quan cấp cao nhất là Chính phủ và được thực thi bởi Bộ TT&TT, Bộ Công an, cùng sự phối hợp của các Bộ, ban, ngành khác nhau và cả các doanh nghiệp liên quan. Bên cạnh đó, cần kết hợp với các nền tảng lớn như Facebook, Google, Tiktok và cả truyền hình, báo chí chính thống để có thể tuyên truyền, cảnh báo đến người dân một cách hiệu quả nhất.

Niềm tin số là rất quan trọng đối với sự phát triển an toàn của môi trường số vì nó không chỉ liên quan đến câu chuyện lừa đảo, mà còn liên quan đến việc người dân lựa chọn sử dụng nền tảng số, hay đi vào tiến trình chuyển đổi số sau này. Do vậy xây dựng chiến lược tổng thể về an toàn thông tin số để đảm bảo an toàn số cho người dân trong quá trình tham gia vào môi trường số trong nhiều năm tiếp theo đóng vai trò rất quan trọng cho công cuộc chuyển đổi số hay phát triển kinh tế số, xã hội số trong thời gian sắp tới.