Thông tin chuyển đổi số
Điện thoại bàn, roaming, loa lưu động cùng người Hải Dương vượt bão lũ
13/09/2024 07:47:54

Bão số 3 quét qua Hải Dương gây gián đoạn thông tin liên lạc. Để khắc phục, các cấp, ngành và người dân trong tỉnh đã tìm những giải pháp tình thế, vượt qua chuỗi ngày bão lũ không có mạng.

Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông cùng 3 nhà mạng Viettel, Vinaphone, MobiFone kiểm tra thực tế vùng phủ sóng tại khu vực phường Đồng Lạc (Chí Linh) chiều 11/9

Cái khó ló cái hay

Anh Nguyễn Tuấn Anh ở phường Nhị Châu (TP Hải Dương) nhớ lại, vào khoảng 15 giờ ngày 7/9 khi thông tin về cơn bão Yagi chuẩn bị quét qua Hải Dương, anh đã gọi điện cho người thân ở Thanh Miện, nhưng sóng điện thoại chập chờn.

Một lúc sau thì điện thoại di động biến thành “cục gạch” đúng nghĩa, bởi không thể gọi cho bất kỳ ai. "Đến sáng hôm sau, điện thoại di động vẫn không thể gọi được. Sực nhớ ra ở văn phòng công ty có chiếc điện thoại cố định, ở nhà người thân cũng có. Chỉ cách nhà vài bước chân, cây cối không gẫy đổ nên tôi chạy thẳng ra văn phòng, gọi điện thoại bàn về cho người thân. May mắn là có thể liên lạc được để hỏi han tình hình sau cơn bão. Chưa bao giờ tôi thấy yêu chiếc điện thoại bàn đến thế”, anh Tuấn Anh kể.

Không riêng anh Tuấn Anh, điện thoại bàn cũng là phương tiện mà rất nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sử dụng trong ít ngày qua. “Các cơ quan phải liên lạc để cùng người dân khắc phục thiệt hại của cơn bão. Doanh nghiệp thì liên lạc để điều chỉnh lịch làm việc”, anh Nguyễn Trí Công, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kiến Minh Tâm (phường Thanh Bình, TP Hải Dương) cho biết.

Người nhà anh Nguyễn Tuấn Anh dùng điện thoại bàn để liên hệ với người thân

Cơn bão số 3 có giật mạnh khiến hệ thống lưới điện gặp sự cố, hàng trăm trạm BTS của các đơn vị viễn thông trên địa bàn tỉnh bị gián đoạn. Bão số 3 vừa đi qua thì thông tin mực nước dâng lên ở nhiều sông lớn chảy qua tỉnh lại đến. Trong khi lực lượng chức năng của tỉnh tập trung toàn lực cùng người dân chống chọi với thiên tai thì không ít người lại lên mạng xã hội tung hình ảnh, tin đồn thất thiệt về vỡ đê, khiến người dân hoang mang.

“Do ảnh hưởng của bão số 3, hệ thống loa truyền thanh của xã gặp sự cố đứt dây tại một số điểm. Cùng với việc khẩn trương khắc phục, ngay từ sáng 9/9, các xã đã phối hợp tuyên truyền bằng xe, loa lưu động theo đúng tinh thần 4 tại chỗ trên toàn huyện. Người dân được thông tin về tình hình khắc phục thiệt hại sau bão số 3, cũng như thông tin chính thống về đê điều trên toàn tỉnh chưa ghi nhận sự cố để người dân có thể yên tâm”, đại diện Đài Phát thanh huyện Thanh Hà cho biết.

 
Hải Dương ứng cứu sự cố mạng sau bão số 3

 

Hạ tầng viễn thông cần thông suốt

Sau bão số 3, tình trạng gián đoạn mạng viễn thông xảy ra ở nhiều địa phương trên toàn tỉnh. Theo báo cáo của 3 nhà mạng Viettel, Vinaphone, MobiFone ngày 8/9, trong tổng số 800 trạm BTS của Viettel tại Hải Dương, bão số 3 đã khiến 200 trạm bị gián đoạn do mất điện, đứt cáp truyền dẫn, 2 trạm khác bị gãy cột, 187/1.024 tuyến cáp bị hỏng. Với VNPT, 247/488 trạm BTS bị gián đoạn, trong đó 242 trạm bị mất liên lạc do mất điện, đứt cáp truyền dẫn, 5 trạm bị gãy cột, 384/2.010 tuyến cáp bị hỏng. MobiFone ghi nhận thiệt hại đối với 215/512 trạm BTS bị gián đoạn.

Để giúp chính quyền, người dân bảo đảm thông tin liên lạc tại những vùng bị cô lập, từ ngày 7/9, tại Hải Dương, Vinaphone và MobiFone đã hoàn thành phối hợp triển khai dịch vụ roaming miễn phí. Nhà mạng Viettel cho biết trong sáng 8/9 đã chia sẻ mạng lưới với các nhà mạng khác. Thuê bao các nhà mạng khác có thể sử dụng sóng Viettel và ngược lại.

Với hoạt động này, thuê bao của các mạng di động có thể được tự động kết nối để thực hiện cuộc gọi, nhắn tin SMS trên hạ tầng của nhà mạng khác tại các khu vực mà mạng di động đó bị gián đoạn thông tin. Quá trình roaming được thực hiện tự động hoặc kích hoạt (khi chưa cài đặt chế độ tự động) theo hướng dẫn từ các nhà mạng, được duy trì đến khi các nhà mạng khôi phục lại hoàn toàn mạng lưới.

 
Viettel Hải Dương khắc phục tuyến truyền dẫn tại khu vực Thượng Đạt (TP Hải Dương)

Hải Dương được tăng cường nhân viên kỹ thuật để khẩn trương khắc phục sự cố, nối lại liên lạc tại các vùng bị ảnh hưởng.

Theo báo cáo nhanh của 3 nhà mạng, trong sáng 12/9, toàn tỉnh khắc phục được thêm 88 vị trí trạm BTS bị sự cố (trong đó MobiFone 80 vị trí, Vinaphone 3 vị trí, Viettel 2 vị trí). Toàn tỉnh còn 169 vị trí trạm BTS trên tổng số 1.800 vị trí (VNPT 488 vị trí, MobiFone 512 vị trí, Viettel 800 vị trí) còn gián đoạn do mất điện, chiếm hơn 9% trong tổng số trạm BTS.

Có thêm 77 tuyến cáp quang bị hư hỏng được khôi phục (VNPT 38 tuyến, MobiFone 25 tuyến, Viettel 14 tuyến), còn lại là 55 tuyến chưa khắc phục xong, chiếm tỷ lệ gần 2% trong tổng số hơn 3.145 tuyến cáp quang chính trên toàn tỉnh.

Dù đã được khắc phục nhanh chóng nhưng đến sáng 12/9, việc gián đoạn thông tin liên lạc vẫn xảy ra ở một số vùng. Không ít người dân vẫn gặp tình cảnh trong cùng TP Hải Dương nhưng khi gọi điện cho người thân thì "alo, có nghe thấy gì không?". Chị Trần Thị Ngọc ở phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) cho biết: "Đến sáng 12/9, bản thân tôi vẫn rất khó khi gọi cho họ hàng trong khu vực phường Tứ Minh. Nhiều lúc điện thoại của tôi không hiển thị bất kỳ vạch sóng nào".