Thông tin chuyển đổi số
Quảng Ninh 'đi trước, đón đầu' xây dựng hạ tầng 'mềm', hạ tầng số
27/12/2024 07:48:28

Trong những năm qua, Quảng Ninh đã “đi trước, đón đầu”, tập trung xây dựng hạ tầng “mềm“, hạ tầng số từng bước đồng bộ, hiện đại phục vụ chuyển đổi số.

'Đi trước, đón đầu' xây dựng hạ tầng 'mềm', hạ tầng số

Tại sự kiện Tuần lễ Số Quốc tế Việt Nam 2024 (WIDW 2024) với chủ đề “Trợ lý ảo”, khai mạc ngày 19/11 do Bộ TT&TT tổ chức, ông Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Bằng tinh thần đổi mới sáng tạo, khơi thông, giải phóng tối đa các nguồn lực, tỉnh đã có bước phát triển đột phá, trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc Việt Nam".

Bên cạnh việc chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng “cứng” với hệ thống hạ tầng giao thông chiến lược đồng bộ, thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng, trong những năm qua, Quảng Ninh đã “đi trước, đón đầu”, tập trung xây dựng hạ tầng “mềm“, hạ tầng số từng bước đồng bộ, hiện đại phục vụ chuyển đổi số.

 
Quảng Ninh “đi trước, đón đầu”, tập trung xây dựng hạ tầng “mềm“, hạ tầng số từng bước đồng bộ, hiện đại phục vụ chuyển đổi số. Ảnh: Viettel

Ông Đặng Xuân Phương thông tin, toàn tỉnh hiện có trên 6.100 trạm phát sóng di động; hạ tầng Internet băng rộng được triển khai tại 100% xã, phường, thị trấn; 100% dân số được phủ sóng mạng thông tin di động. Tỷ lệ dân số được phủ sóng mạng di động 4G trở lên đạt 99,8%; số thuê bao điện thoại đạt tỷ lệ 1,3 thuê bao/người; tỷ lệ dân số được phủ sóng Internet đạt 100%. Tỷ lệ hộ gia đình có kết nối cáp quang đạt 89,13% (cao hơn mức trung bình của cả nước là 75,39%).

Theo Phó Bí thư Tỉnh uỷ, tỉnh Quảng Ninh xác định phát triển mạnh kinh tế số, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển và tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội; từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh, là cơ hội để giải quyết các điểm nghẽn cũng như tạo đột phá trong phát triển, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 35% GRDP của tỉnh.

Diễn ra từ ngày 19 đến 22/11, WIDW 2024 là sự kiện có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với 12 sự kiện chính thức và các sự kiện bên lề, thu hút hơn 600 đại biểu trong nước và quốc tế, bao gồm lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước từ gần 30 quốc gia, đại diện các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp công nghệ hàng đầu.

WIDW 2024 tập trung trao đổi, thảo luận, chia sẻ các thực tiễn tốt, cách tiếp cận và sáng kiến mới để mở rộng hợp tác giữa các nước, các tổ chức, doanh nghiệp về đẩy mạnh phát triển AI và triển khai trợ lý ảo, với các chủ đề ưu tiên như ứng dụng trợ lý ảo (TLA), quản trị trí tuệ nhân tạo (AI), Open RAN, khung pháp lý cho 5G, phát triển hạ tầng kỹ thuật số và nguồn nhân lực số…

Năm đầu tiên đánh giá mức độ CĐS qua phần mềm với 225 cơ quan, đơn vị, địa phương

Theo Kế hoạch chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh được UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành ngày 13/3/2024, Quảng Ninh ưu tiên chuyển đổi số trong các lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, giáo dục, du lịch, tổ chức cán bộ, hải quan, xuất nhập khẩu. Kế hoạch cũng đề ra 4 mục tiêu về dữ liệu số, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, cùng 10 nhiệm vụ trọng tâm như nhận thức số, thể chế số, phát triển hạ tầng, nền tảng số, an toàn thông tin mạng và nhân lực số.

Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) được giao nhiệm vụ đầu mối phối hợp với các sở, ngành, đơn vị định kỳ hàng quý tổ chức đánh giá, chấm điểm Bộ Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh, cấp sở, ngành, địa phương; đầu mối phối hợp với Bộ, ngành Trung ương trong triển khai các nền tảng số toàn quốc; kết nối, tích hợp các cơ sở dữ liệu quốc gia để thu nhận, chia sẻ các cơ quan sử dụng, cung cấp công khai và mở cho người dân, doanh nghiệp.

Trong công tác đảm bảo an toàn thông tin, năm 2024, Sở TT&TT tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp và hoạt động thiết thực, hiệu quả như tham gia diễn tập thực chiến đảm bảo an toàn thông tin mạng, tổ chức kiểm tra, đánh giá đảm bảo an toàn thông tin trên địa bàn tỉnh. Chẳng hạn, Sở TT&TT Quảng Ninh là một trong ba địa phương có lực lượng cán bộ công nghệ thông tin, an toàn thông tin tham gia diễn tập thực chiến an toàn thông tin mạng quốc gia lần 1 năm 2024 cùng Hải Phòng, Ninh Bình. 3 hệ thống cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp tại 3 tỉnh là những hệ thống được chọn là mục tiêu của diễn tập thực chiến quốc gia lần này.

Sau 5 ngày tham gia (26-8 đến 30/8), các thành viên của đội ứng cứu sự cố đã trực tiếp áp dụng những công cụ và giải pháp được trang bị để bảo vệ hệ thống thông tin của đơn vị mình trước các đợt rà quét, tấn công của các Red Team. Qua đó, kỹ năng ứng phó trước các tình huống tấn công mạng của các nhân sự được trau dồi.

Một hoạt động khác là Chiến dịch Vắc xin Số với sự tham gia của các thanh niên trong Tổ công nghệ số cộng đồng, thanh niên tiên phong trong chuyển đổi số, Đoàn Thanh niên Bộ TT&TT và Thành đoàn Hạ Long. Theo thông tin từ Tỉnh đoàn Quảng Ninh, trong khuôn khổ chiến dịch, người dân được tuyên truyền nâng cao nhận thức về an toàn trên không gian mạng với các nguy cơ như lây nhiễm mã độc, lộ lọt thông tin cá nhân, lừa đảo, cuộc gọi rác, tin nhắn rác, tiếp xúc với nội dung độc hại, bắt nạt trực tuyến…