Thông tin chuyển đổi số
Công chức Việt Nam có trợ lý ảo, người dân sẽ được nhờ
26/12/2024 07:54:47

Trợ lý ảo có thể làm thay đổi hệ tri thức, giúp thông minh hóa toàn bộ hệ thống công chức Việt Nam.

Những năm gần đây, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành một xu hướng không thể đảo ngược. Xu thế này diễn ra ở mọi ngành nghề, trong đó có cả khu vực công, nơi tưởng chừng như khó áp dụng các công nghệ mới nhất.

Giá trị quý như vàng của trợ lý ảo công chức

Tại Tòa án nhân dân huyện Cái Bè (Tiền Giang), số lượng vụ án cần giải quyết tại địa phương này luôn ở mức cao. Bình quân, mỗi thẩm phán tại đây phải giải quyết 131 vụ việc mỗi năm, gần gấp đôi so với quy định. Áp lực này không chỉ gây mệt mỏi mà còn tiềm ẩn nguy cơ sai sót trong quá trình xét xử.

Để nâng cao chất lượng hoạt động của các thẩm phán, từ năm 2022, được sự trợ giúp của Bộ TT&TT và một doanh nghiệp công nghệ số trong nước, Tòa án Nhân dân Tối cao đã đưa vào triển khai thử nghiệm phần mềm trợ lý ảo.

Trợ lý ảo tòa án có những tính năng tương tự ChatGPT nhưng tập trung vào nhiệm vụ hỗ trợ chuyên ngành cho hệ thống tòa án. Phần mềm sử dụng nguồn thông tin, dữ liệu chính thống, tin cậy do chính tòa án xây dựng.

Dựa trên thông tin vụ án, trợ lý ảo có thể tự động tìm kiếm và giới thiệu các văn bản pháp luật liên quan, các tình huống pháp lý tương tự và án lệ đã có hiệu lực.

Trợ lý ảo còn hỗ trợ thẩm phán trong việc lập kế hoạch giải quyết vụ án, quản lý công việc và đưa ra các cảnh báo, thông báo nhắc nhở để đảm bảo thời hạn tố tụng.

Người dùng tra cứu thông tin pháp luật trên trợ lý ảo do Việt Nam phát triển. Ảnh: TĐ

Theo thống kê của Tòa án Nhân dân Tối cao, nhờ ứng dụng phần mềm trợ lý ảo, chất lượng xét xử của các thẩm phán được nâng cao, tỷ lệ án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan giảm xuống đáng kể.

Tại Tòa án Nhân dân huyện Cái Bè, trợ lý ảo đã giúp giảm tỷ lệ vụ án hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan từ 0.35% năm 2023 xuống còn 0.21% trong 6 tháng đầu năm 2024.

Trợ lý ảo đã giúp các thẩm phán giảm 30% khối lượng công việc hành chính so với phương pháp truyền thống. Chỉ riêng việc mã hóa bản án, quyết định và đăng tải công khai, thời gian thực hiện đã được rút ngắn xuống chỉ còn vài giây so với 1-2 giờ trước đây.

Trên bình diện toàn cầu, trợ lý ảo cũng đang giúp khu vực công tại nhiều quốc gia hoạt động hiệu quả hơn. Tại Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, trợ lý ảo đã được sử dụng trong việc giám sát đường sắt ở Dubai, giúp hỗ trợ xử lý các sự cố trễ giờ tàu. Ở Phần Lan, trợ lý ảo đóng vai trò hỗ trợ việc quy hoạch đô thị, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.

Nghiên cứu được thực hiện bởi Trường Kinh doanh Harvard (HBS) phối hợp với Boston Consulting Group nhằm đánh giá tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) đến năng suất và chất lượng công việc của nhân viên cho thấy, với các công việc AI có thể làm được, những người sử dụng trợ lý ảo có năng suất cao hơn đáng kể.

Nhân viên sử dụng trợ lý ảo hoàn thành các nhiệm vụ nhiều hơn 12,2% và nhanh hơn 25,1% so với trung bình. Kết quả công việc của những người sử dụng AI cũng cao hơn 40% so với nhóm đối chứng.

Không chỉ vậy, những người có hiệu suất làm việc dưới ngưỡng trung bình đã cải thiện 43% về hiệu suất. Với những người ở trên ngưỡng trung bình, kết quả công việc tăng 17% so với hiệu suất thường ngày của chính họ.

Bộ TT&TT tiên phong ứng dụng trợ lý ảo

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025 của ngành Nội vụ, Bộ trưởng Bộ TT&TT từng phân tích, để nâng cao chất lượng công chức, thay vì đào tạo theo cách truyền thống, cách làm mới là cung cấp cho mỗi công chức một trợ lý ảo.

Có trợ lý ảo, người kém nhất của mỗi tổ chức ít nhất cũng bằng người khá giỏi”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.

Trên thực tế, một trong những công việc trọng tâm của Bộ TT&TT trong năm 2024 là xây dựng hệ tri thức, phát triển các trợ lý ảo diện hẹp hỗ trợ cho cán bộ, công chức.

Do đó, tại các buổi họp giao ban của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã dành nhiều thời gian để trực tiếp kiểm tra khả năng làm việc của trợ lý ảo do các đơn vị trong Bộ phối hợp cùng các doanh nghiệp công nghệ phát triển.

Theo Bộ trưởng, trợ lý ảo sẽ làm thay đổi hệ tri thức của hệ thống công chức nhà nước, thay đổi toàn bộ cách làm việc của một tổ chức, thông minh hóa toàn bộ hệ thống công chức Việt Nam.

Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã làm chủ công nghệ và có thể triển khai ngay trợ lý ảo.

Cán bộ công chức hỗ trợ người dân giải quyết dịch vụ công. Ảnh: Lê Anh Dũng

Sau một thời gian bắt tay làm, các đơn vị trong Bộ TT&TT đã gặp phải những khó khăn nhất định trong việc phát triển trợ lý ảo. Từ thực tế thử nghiệm triển khai trợ lý ảo tại một số đơn vị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, làm cái mới bao giờ cũng khó, cũng vất vả, cũng trục trặc, không hiểu nhau, làm rồi mới vỡ ra. Do đó, để giải câu chuyện trợ lý ảo phục vụ cho cán bộ công chức, các đơn vị trong Bộ cần tìm cách biến việc khó thành việc dễ.

Khi xây dựng tri thức cho trợ lý ảo, cách thường làm là đặt nhiều câu hỏi trước rồi mới đi làm câu trả lời sau. Bộ trưởng yêu cầu làm ngược lại. Mỗi đơn vị sẽ làm cẩm nang về các công việc của đơn vị mình trước, sau đó mới nghĩ đến việc đặt các câu hỏi xung quanh mỗi công việc, để khi hỏi, câu trả lời sẽ được trỏ đến công việc đó. Cách làm này giống như việc sắp xếp, rà soát, chuẩn hóa lại tài liệu, để biến các “tri thức ẩn” của mỗi cán bộ thành tri thức chung của tổ chức.

Phần mềm chuyển đổi số quan trọng nhất là trải nghiệm. Người đứng đầu phải sử dụng sản phẩm chuyển đổi số để điều hành công việc hằng ngày, chỉ như vậy phần mềm mới tốt lên.

Với tư duy này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu trưởng các đơn vị trong Bộ TT&TT phải dùng trợ lý ảo hằng ngày, thường xuyên, coi trợ lý ảo là đối tượng đầu tiên để điều hành công việc.

Bộ TT&TT xác định sẽ tiên phong trong ứng dụng trợ lý ảo vào hoạt động chuyên môn. Trợ lý ảo của Bộ TT&TT là sự kết hợp giữa hệ tri thức chuyên gia do con người xây dựng và mô hình ngôn ngữ lớn của trí tuệ nhân tạo.

Những tri thức tích lũy trong trợ lý ảo chính là tài sản quý mà các đơn vị để lại cho thế hệ kế tiếp.