Thông tin chuyển đổi số
Tập huấn miễn phí sử dụng công cụ AI trong dạy học cho giáo viên Việt Nam
26/12/2024 09:23:50

Hai tháng cuối năm 2024, dự án ‘Ứng dụng các công cụ AI trong dạy và học’ đã tập huấn cho hơn 1.400 giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục trên cả nước. Dự án sẽ triển khai tiếp các hoạt động trong năm 2025.

Dự án và chương trình tập huấn ‘Ứng dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo - AI trong dạy và học’ do nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ cùng các đồng nghiệp tại Đại học RMIT Việt Nam đề xuất và thực hiện.

Được Chính phủ Australia tài trợ qua Quỹ hỗ trợ cựu sinh viên Australia do chương trình Aus4Skills quản lý, qua việc triển khai tập huấn miễn phí cho giáo viên trên cả nước, dự án hướng tới hỗ trợ người làm công tác giáo dục nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ AI, đặc biệt là AI tạo sinh vào các hoạt động dạy và học.

Tiến sĩ Trần Đức Linh, giảng viên RMIT và là trưởng nhóm dự án ‘Ứng dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo - AI trong dạy và học’ cho hay: Mục tiêu của dự án không chỉ là giới thiệu các công cụ AI cho các thầy cô giáo, mà còn tích hợp những công cụ này với các phương pháp sư phạm phù hợp.

“Việc tích hợp như vậy sẽ trang bị cho các thầy cô những kỹ năng và kiến ​​thức thiết yếu để tận dụng hiệu quả AI trong các hoạt động dạy và học. Qua đó, giúp các thầy cô thiết kế những trải nghiệm học tập hấp dẫn và hiệu quả hơn, đồng thời chuẩn bị cho người học thành công trong một tương lai được định hình bởi công nghệ”, Tiến sĩ Trần Đức Linh phân tích.

Các giáo viên đến từ TP Cần Thơ thực hành sử dụng công cụ AI tạo sinh vào hoạt động dạy học. Ảnh: N.Ngọc

Đại diện nhóm dự án cũng thông tin, trong hai tháng 11 và 12 năm nay, dự án đã triển khai tập huấn cho hơn 1.400 giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục trên cả nước thông qua 2 phương thức riêng biệt nhưng bổ trợ cho nhau.

Trong đó, chuỗi workshop trực tuyến thu hút hơn 800 người tham gia trong buổi đầu tiên và trung bình khoảng 600 người/buổi ở những ngày tiếp theo.

Được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Việt, chương trình tập huấn trực tuyến với 6 chủ đề bao quát các khía cạnh quan trọng của việc tích hợp AI vào giáo dục. Bao gồm, từ khung năng lực AI của UNESCO cho giáo viên và học sinh, cho đến việc ứng dụng AI vào các tác vụ dạy - học như lên kế hoạch bài dạy, thiết kế kiểm tra đánh giá, tạo nội dung đa phương tiện cho học tập sáng tạo và trợ lý chatbot AI để hỗ trợ giáo dục.

Bên cạnh các workshop trực tuyến, nhóm dự án còn tổ chức chương trình tập huấn trực tiếp kéo dài 2 ngày tại các địa phương, thông qua sự phối hợp tổ chức với các Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận và TP Cần Thơ.

Theo thống kê, hơn 650 giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cấp quận/huyện và trường học đã tham gia các buổi tập huấn trực tiếp này.

Ngoài ra, dự án còn mở rộng phạm vi ra ngoài các buổi tập huấn chính thức. Nhóm Facebook cộng đồng của dự án đã thu hút hơn 2.000 thành viên với mức độ tương tác cao.

Người tham gia nhóm Facebook cộng đồng của dự án có thể xem lại video và thảo luận về các buổi workshop đã diễn ra, cũng như chia sẻ sản phẩm đa phương tiện do chính họ tạo ra bằng các công cụ AI như ChatGPT, Suno, Canva và Gamma, để nhận đánh giá từ các thầy cô khác và chuyên gia RMIT.

Là giáo viên tham gia chương trình tập huấn, cô Nguyễn Thị Thanh Vân đến từ Trường Tiểu học Lạc Nghiệp (Ninh Thuận) nhận xét nội dung tập huấn đã giải quyết những thắc mắc, khó khăn mà cô từng gặp khi sử dụng các công cụ AI, giúp cô học được nhiều điều mới để có thể chuyển giao kiến thức cho các đồng nghiệp ở trường.

Thạc sĩ Phạm Chí Thanh, giảng viên RMIT và phó trưởng nhóm dự án tin tưởng rằng các thầy cô tham gia chương trình tập huấn ứng dụng các công cụ AI sẽ áp dụng những kiến ​​thức thu được một cách hiệu quả vào công tác giảng dạy thực tế tại đơn vị đang công tác.

Theo kế hoạch, nhóm dự án ‘Ứng dụng các công cụ AI trong dạy và học’ của RMIT dự kiến ​​sẽ tổ chức thêm nhiều hoạt động và workshop vào năm 2025, với nguồn tài trợ bổ sung từ Quỹ đổi mới chiến lược của RMIT Việt Nam.