Dạy học kết nối là phương pháp dạy học tích cực mà thầy và trò có thể sử dụng các công cụ kết nối (trực tuyến) dựa trên nền tảng công nghệ thông tin để tổ chức/hỗ trợ cho việc dạy và học, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, góp phần nâng cao hiệu quả dạy học.
Mới đây, học sinh lớp 5 Trường tiểu học Phú Lương (TP Hải Dương ) dưới sự dẫn dắt của cô Trương Hải Hà đã có tiết học kết nối với học sinh trường Tiểu học Tiền Tiến thành phố Hải Dương , do cô Nguyễn Thị Xuân phụ trách, đồng hành cùng lớp học kết nối là sự góp mặt của chuyên gia y tế, dược sĩ lâm sàng.
Học sinh hào hứng tham gia lớp học kết nối
Tham gia lớp học kết nối, học sinh 2 trường đã được trao đổi, tương tác về sức khỏe, thói quen vệ sinh, dinh dưỡng - những nội dung sống động hơn cả những nội dung, tranh ảnh trong sách vở. Các em học sinh được đặt câu hỏi, giao lưu với các chuyên gia từ đó được bổ sung thêm kiến thức về dinh dưỡng, y tế một cách trực quan, sinh động. Lớp học cũng tạo không gian mở, để các em học sinh 2 trường được giao lưu với nhau qua các trò chơi online do các giáo viên xây dựng, không còn rào cản về không gian, khoảng cách địa lý.
Sau giờ học, hơn 40 cán bộ quản lý và giáo viên đã tham gia sinh hoạt sau tiết dạy. Sau khi phân tích, rút kinh nghiệm, cán bộ quản lý, giáo viên TP Hải Dương tại cụm chuyên đề số 4 đều kết luận: “Lớp học kết nối là hoạt động không chỉ đổi mới tiết dạy, mà đang thay đổi cả tư duy giáo dục.
Cô Trịnh Thị Thoa, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Khôi, một trong những giáo viên, cán bộ quản lý tham gia dự giờ, sinh hoạt sau tiết học cho biết: Mô hình “lớp học kết nối" không chỉ rút ngắn khoảng cách không gian, thời gian, còn góp phần nâng cao năng lực giáo viên trong việc ứng dụng công nghệ số vào quá trình dạy và học. Đây cũng là cơ hội để học sinh của các huyện/thành phố được trao đổi, giao lưu học tập về cùng một nội dung bài học, từ đó, góp phần phát triển và nâng cao năng lực của học sinh. Những nội dung kiến thức khó được các thầy cô, các bạn ở các điểm cầu cùng giải quyết, giúp cho sự kết nối được mở ra với không gian học tập vô biên. Học sinh có cơ hội phát triển kĩ năng giao tiếp - hợp tác, tự chủ - tự học, giải quyết vấn đề - sáng tạo,… Cô Trịnh Thị Thoa chia sẻ thêm: "Cần tạo điều kiện cho người dạy có thêm ý tưởng, nhưng không thêm áp lực. Chuyển đổi phải mang lại lợi ích thiết thực cho thầy cô, sẽ dễ đi vào cuộc sống. Cuối cùng là chuẩn bị cơ sở vật chất, nền tảng, đội ngũ chuyên gia hỗ trợ
Bà Nguyễn Diệu Linh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hải Dương cho biết: Trong thời gian tới, công nghệ sẽ càng biến đổi với sự xuất hiện của AI, giáo dục cũng sẽ không nằm ngoài việc thay đổi như vũ bão này. Việc các trường Tiểu học trên địa bàn sử dụng mô hình “lớp học kết nối" trong dạy và học là rất cần thiết. Trước đây trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, các trường học sử dụng mô hình này ở tất cả các môn học. Hiện nay, các trường học sử dụng mô hình này chủ yếu với môn ngoại ngữ và dùng để sinh hoạt chuyên môn… Sau một thời gian triển khai cho thấy, mô hình đã góp phần rút ngắn khoảng cách không gian, địa lý tiết kiệm thời gian giảng dạy của giáo viên. Cùng đó còn góp phần phát triển phẩm chất, năng lực học sinh một cách toàn diện, nâng cao năng lực ngoại ngữ, tin học cho giáo viên và học sinh. Thời gian tới, ngành giáo dục Thành phố tiếp tục duy trì, triển khai mô hình này để góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác dạy và học.
Kim Dung