Thông tin chuyển đổi số
ChildFund Việt Nam: Nghị định 147 là bước tiến lớn về bảo vệ trẻ em trên mạng
27/11/2024 07:30:21

Đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về quản lý, sử dụng Internet nói chung và bảo vệ trẻ em trên mạng nói riêng, chuyên gia ChildFund Việt Nam Đỗ Dương Hiển nhấn mạnh: Quy định tại Nghị định 147 là bước tiến lớn.

Một số quy định mới liên quan đến công tác bảo vệ trẻ em trên mạng của Nghị định 147 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, vừa được đại diện Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam - VNCERT/CC thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) phổ biến trong hội thảo “Đẩy mạnh hợp tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” diễn ra ngày 21/11 ở Hà Nội.

Cụ thể, theo bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng Kiểm định an toàn thông tin - VNCERT/CC, thay thế cho Nghị định 72 năm 2013, Nghị định 147 được Chính phủ ban hành ngày 9/11/2024 có nhiều điểm mới, đã luật hóa các yêu cầu bảo vệ trẻ em trên mạng, áp dụng cho các nền tảng, dịch vụ trong nước và của nước ngoài cung cấp xuyên biên giới.

Một điểm mới đáng chú ý là quy định trẻ dưới 16 tuổi không được tạo tài khoản mạng xã hội cũng như tài khoản sử dụng trò chơi điện tử trên mạng.

Trường hợp người dùng là trẻ em dưới 16 tuổi, cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ sẽ đăng ký tài khoản mạng xã hội, tài khoản sử dụng trò chơi điện tử trên mạng bằng thông tin của mình.

Khi đó, cha mẹ hoặc người giám hộ có trách nhiệm giám sát, quản lý nội dung trẻ truy cập, đăng tải, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội; giám sát và quản lý thời gian chơi, nội dung trò chơi mà trẻ dưới 16 tuổi truy cập.

 
Triển khai các giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là yêu cầu chung với các nền tảng xuyên biên giới, đơn vị thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước, theo Nghị định 147. Ảnh minh họa: D.V

Nghị định 147 cũng quy định rõ, nền tảng xuyên biên giới và mạng xã hội trong nước đều có trách nhiệm phân loại và hiển thị cảnh báo những nội dung không phù hợp với trẻ em.

Triển khai giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng theo quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em là yêu cầu với cả nền tảng xuyên biên giới cũng như các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước.

Yêu cầu với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến là phải thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em như phân loại trò chơi theo độ tuổi, giới hạn thời gian chơi, và cung cấp các công cụ kiểm soát của phụ huynh.

Chia sẻ quan điểm về những quy định mới liên quan đến bảo vệ trẻ em trên mạng, ông Đỗ Dương Hiển, chuyên gia của ChildFund Việt Nam cho hay: Các tổ chức quốc tế về bảo vệ trẻ em đánh giá rất cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về quản lý, sử dụng Internet nói chung và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nói riêng.

“Có thể nói Nghị định 147 thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc xử lý những vấn đề phát sinh, các vấn đề mới hiện nay”, ông Đỗ Dương Hiển nhận xét.

 
Ông Đỗ Dương Hiển, chuyên gia về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng của tổ chức ChildFund Việt Nam. Ảnh: D.V

Chuyên gia đến từ ChildFund Việt Nam phân tích, Nghị định 147 thay thế cho Nghị định 72 đã ra đời cách đây 10 năm; trong 10 năm qua, đã có nhiều thay đổi liên quan đến việc sử dụng Internet, mạng xã hội.

Chẳng hạn, Nghị định cũ chưa đề cập nhiều đến các mạng xã hội xuyên biên giới; nhưng Nghị định 147 đã chỉ rõ trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ, cung cấp nội dung hay cá nhân cung cấp nội dung trên mạng xã hội và người sử dụng.

Nhận định các quy định tại Nghị định mới cho thấy bước tiến lớn trong công tác bảo vệ trẻ em trên mạng, ông Đỗ Dương Hiển nêu dẫn chứng, chẳng hạn, về quản lý thời gian chơi game online, Nghị định 147 đã bổ sung quy định người dưới 18 tuổi không được chơi quá 3 tiếng mỗi ngày.

Hay như yêu cầu doanh nghiệp cung cấp game phải phân loại nội dung, phân loại game cũng là quy định mới được đánh giá cao.

Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của người đã làm việc lâu năm trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em, ông Đỗ Dương Hiển cho rằng, vẫn còn nhiều thách thức để có thể đưa các quy định mới của Nghị định 147 liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đi vào cuộc sống.

“Để mọi người có thể hiểu và áp dụng các quy định mới, chúng tôi tôi nghĩ rằng thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ cần triển khai nhiều hơn các hoạt động truyền thông để phổ biến, hướng dẫn thực hiện Nghị định mới này”, ông Đỗ Dương Hiển nêu khuyến nghị.