Một năm trước, Hải Dương đã ban hành quyết định lựa chọn ngày 26.3 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số của tỉnh. Từ đó đến nay, hành trình chuyển đổi số của tỉnh đã ghi nhận nhiều nỗ lực cụ thể của các cấp, ngành cũng như sự chung tay vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân trong tỉnh.
Hải Dương sẽ tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho Trung tâm Dữ liệu của tỉnh, xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu số
Khẩn trương vào cuộc
Ngày 26.3.2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU (Nghị quyết 06) về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Hải Dương là địa phương thứ 2 trên cả nước ban hành nghị quyết về chuyển đổi số. Ngay sau nghị quyết này, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản tạo hành lang pháp lý thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Ngày 26.3 hằng năm cũng được quyết định là Ngày Chuyển đổi số của tỉnh.
Ngày 26.3.2022, lần đầu tiên Hải Dương tổ chức Ngày Chuyển đổi số với chủ đề “Chuyển đổi số - Hiện thực hóa khát vọng phát triển tỉnh Hải Dương”. Tại sự kiện này, tỉnh đã ra mắt Trung tâm Giám sát và điều hành thông minh (IOC) của tỉnh, ký kết thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin hàng đầu cả nước như Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viettel, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tập đoàn FPT, Liên minh SAIGONTEL-NGS… đồng thời thành lập Tổ Chỉ đạo triển khai công nghệ số cộng đồng của tỉnh.
Năm qua, với sứ mệnh là đơn vị tham vấn chuyên môn, xây dựng bài toán chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực của tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu tổ chức hàng loạt sự kiện liên quan. Đáng kể nhất như hội nghị chuyên đề “Chuyển đổi số - Cơ hội và thách thức”, “Doanh nghiệp tỉnh Hải Dương - Chuyển đổi số để bứt phá”, hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu của tỉnh… Qua đó giúp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp nhìn nhận rõ hơn, tiếp cận dễ dàng hơn với chuyển đổi số.
Cũng từ đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp trong tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị, điều hành. Thông qua “chợ giải pháp số” từ Viettel, VNPT, nhiều doanh nghiệp đã tìm thấy nền tảng số phù hợp, nhất là các nền tảng điện toán đám mây. Với người dân, việc kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Sendo, Voso… bước đầu ghi nhận kết quả tích cực, phát sinh gần 36.000 lượt giao dịch trực tuyến.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, toàn tỉnh đã xây dựng và cấp được 261 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu (241 mã số vùng trồng đối với cây ăn quả; 20 mã số vùng trồng đối với cây rau), trên 1.000 ha diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP được ứng dụng truy xuất nguồn gốc nông sản bằng mã QR biến đổi. Qua đó nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu cũng như tiêu thụ nội địa.
Nỗ lực đạt dấu mốc mới
Có thể nói 3 trụ cột về chuyển đổi số của tỉnh, gồm chính quyền số, kinh tế số, xã hội số một năm qua ghi nhận nhiều kết quả tích cực cụ thể. Hiện nay, Hải Dương có tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến đạt 53,51%, xếp thứ 12 cả nước. Kinh tế số lan tỏa ngày một mạnh mẽ hơn, thanh toán điện tử dần trở thành thói quen của người dân. Hạ tầng viễn thông 3G, 4G mở rộng, phủ khắp các địa phương trong tỉnh. Viettel Hải Dương đã bước đầu thí điểm lắp trạm phát sóng 5G tại một số khu vực trên địa bàn TP Hải Dương. Chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh (DTI) năm 2021 (công bố tháng 8.2022), Hải Dương duy trì vị trí 14 cả nước, điểm giá trị cao hơn mức trung bình cả nước.
Dù vậy, hành trình chuyển đổi số của tỉnh trong năm qua còn vướng một số hạn chế, rào cản nhất định. Các thỏa thuận về chuyển đổi số được ký kết giữa tỉnh với nhiều doanh nghiệp công nghệ chưa được khai thác triệt để, mới dừng lại ở một số hội nghị chia sẻ thông tin, triển khai một số tính năng cơ bản của ứng dụng phục vụ người dân như Hải Dương ID. 3 dự án về Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh; Trung tâm Dữ liệu; Trung tâm Giám sát an ninh không gian mạng chậm triển khai đã ảnh hưởng không nhỏ đến hạ tầng, cơ sở dữ liệu. Nguồn nhân lực nội bộ ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số còn hạn chế, thiếu và yếu về kỹ năng. Hạ tầng công nghệ số còn lạc hậu, nhất là ở nhiều xã trong tỉnh, ảnh hưởng tới việc số hóa hồ sơ, nhất là giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến…
Năm 2023 được xác định là năm về dữ liệu số. Hải Dương sẽ tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho Trung tâm Dữ liệu của tỉnh, xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu của các sở, ngành, địa phương trong tỉnh, bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống” và an toàn thông tin để đáp ứng điều kiện kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 06. Hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh, triển khai kho dữ liệu dùng chung, phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở của tỉnh. Thực hiện số hóa và sử dụng dữ liệu hiệu quả trong hoạt động của các cấp chính quyền. Tập trung triển khai các dịch vụ công thiết yếu, nâng cao tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến. Rà soát, nghiên cứu nhu cầu để cung cấp nền tảng số cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của tỉnh. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng.
Chuyển đổi số hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp từ những nền tảng, lợi ích thiết thực. Song muốn chuyển đổi số phải có công dân số. Muốn có công dân số, trước hết mỗi người, từ cán bộ, đảng viên cho đến các tầng lớp nhân dân cần chủ động tiếp cận công nghệ, mạnh dạn trao đổi với thành viên các tổ công nghệ cộng đồng để được hỗ trợ, hướng dẫn.
Với khát vọng phát triển, bằng sự quyết tâm cao của toàn bộ hệ thống chính trị và sự đồng lòng, ủng hộ của doanh nghiệp, người dân trong tỉnh, hành trình chuyển đổi số của tỉnh chắc chắn sẽ ghi nhận nhiều dấu mốc mới.
Nguyễn Cao Thắng
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông