Thông tin chuyển đổi số
Thủ tướng muốn New Zealand - Việt Nam hợp tác nghiên cứu nông sản
11/03/2024 06:00:25

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, doanh nghiệp Việt Nam và New Zealand cần thúc đẩy hợp tác đầu tư, trong đó có nghiên cứu, sản xuất nông sản và chế biến thực phẩm.

Sáng 10/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Trung tâm Nghiên cứu giống cây trồng và thực phẩm New Zealand (PFR), thành phố Auckland.

Lãnh đạo Trung tâm cho biết nhiều chuyên gia New Zealand đã sang Việt Nam hàng chục lần để hỗ trợ phát triển nông nghiệp và học hỏi thêm kinh nghiệm. Hiện nay, Trung tâm đang hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu cải tiến công nghệ sau thu hoạch, lai tạo, thương mại hóa những giống thanh long mới, có hương vị và màu sắc mới hướng tới người tiêu dùng ở các thị trường khác nhau.

"Chúng tôi đã nghiên cứu được thiết bị phát hiện bệnh trên cây trồng, nghiên cứu lai giống một số loại trái cây mới như kiwiberry", đại diện Trung tâm cho hay.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá kiwiberry có mùi vị rất ngon. "Lần đầu tiên trên đời tôi ăn một quả ngon như thế, ăn một quả muốn ăn thêm quả nữa", ông nói.

Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam cảm ơn tình cảm của New Zealand, dù khoảng cách xa xôi nhưng đã hỗ trợ Việt Nam trồng quả bơ, chanh leo, thanh long - những loại quả xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, được trồng nhiều ở những vùng khó khăn.

Theo Thủ tướng, hai nước đang thúc đẩy thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất và chế biến thực phẩm. Lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất, xuất khẩu nông nghiệp, thực phẩm là trụ cột trong hợp tác kinh tế hai nước, dư địa lĩnh vực này còn rất rộng.

"New Zealand đất rộng người thưa, Việt Nam đất hẹp người đông, do đó hai nước có thể bổ sung cho nhau", ông nói.

 

Hiện nay, khoảng 6.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc tại New Zealand. Con số này còn tăng lên khi quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư hai nước phát triển mạnh. Do đó, Thủ tướng mong muốn hai nước cùng nghiên cứu để tăng tốc các sản phẩm có tiềm năng, đột phá trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp.

Trung tâm Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm (PFR) New Zealand có chức năng nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy ngành cây trồng, hải sản, thực phẩm... thông qua việc áp dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Cơ sở này có trình độ chuyên môn cao hàng đầu thế giới, mang đến những giải pháp sáng tạo trong ngành nông nghiệp kỹ thuật cao.

Hiện nay, PFR thực hiện hai dự án tại Việt Nam do Chính phủ New Zealand tài trợ. Đó là dự án VietFruit - hỗ trợ phát triển ngành chanh dây xuất khẩu, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt vào tháng 11/2023. Dự án sẽ phát triển năng lực và trình độ chuyên môn cũng như chuyển giao công nghệ trồng chanh dây chất lượng cao cho các bên tham gia chuỗi giá trị như nông dân, các đơn vị vận hành sau thu hoạch, chế biến và bộ phận tiếp thị. Tổng vốn của dự án là 5,3 triệu NZD (3,3 triệu USD), thực hiện tại Sơn La và Gia Lai từ 2023 đến 2027.

PFR cũng đã hợp tác với SOFRI và SIAEP phát triển ngành thanh long và cải thiện thu nhập của nông dân sản xuất nhỏ. Dự án đã nghiên cứu được giải pháp kháng bệnh đốm trắng và nâu ở cây thanh long. Kết quả này giúp việc sử dụng thuốc diệt nấm giảm tới 33%, đưa ra một hệ thống trồng trọt mới giúp năng suất tăng gấp đôi và chất lượng quả được cải thiện.

Dự án cũng thực hiện những cải tiến sau thu hoạch bao gồm làm mát không khí cưỡng bức và rửa trái cây tự động. 31 giống thanh long mới đã được nhân giống và thương mại hóa. Các giống này mang lại hương vị và màu sắc mới lạ cho người tiêu dùng toàn cầu. Chúng cũng được nhân giống để cải thiện chất lượng và khả năng kháng bệnh.

Ngoài ra, tại Bình Định, PFR đã hợp tác với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để sản xuất rau an toàn theo quy trình GAP và xây dựng một thương hiệu rau an toàn đưa ra thị trường, giúp tăng thu nhập thêm 30% cho 2.000 hộ nông dân tham gia vào dự án. Tại Đắk Nông, PFR đã hợp tác với Công ty thương mại Sam Agritech phát triển chuỗi cung ứng xuất khẩu quả bơ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân đang thăm chính thức New Zealand, từ ngày 10 đến 11/3.