Sáng 9/8, UBND tỉnh nghe Sở Thông tin và Truyền thông báo cáo tình hình ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số những tháng đầu năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Hùng ghi nhận nỗ lực của Sở Thông tin và Truyền thông cùng các sở, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Nhấn mạnh thời gian còn lại của năm 2024 không nhiều, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông tiếp thu ý kiến tham gia tại cuộc họp, khẩn trương rà soát các nhiệm vụ đã được phê duyệt để tập trung hoàn thành.
Liên quan đến nhân sự làm công nghệ thông tin, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh về việc bổ sung biên chế công nghệ thông tin phù hợp quy định, đồng thời yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu phương án biệt phái cán bộ để tăng cường khả năng thực hiện nhiệm vụ. Phải có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng số theo hướng đào tạo chuyên sâu.
Đối với vấn đề an toàn thông tin mạng, yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông đôn đốc, hướng dẫn các sở, ngành, địa phương hoàn tất phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn thông tin, hoàn thành chậm nhất trong tháng 9/2024. Chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn thông tin mạng theo hồ sơ được duyệt, hoàn thành chậm nhất trong tháng 12/2024. Tham mưu UBND tỉnh ban hành công văn chỉ đạo, thậm chí phê bình với những đơn vị chậm trễ.
Yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục chủ trì, phối hợp tham mưu ban hành chính sách triển khai khung kiến trúc chính phủ điện tử trên địa bàn, hướng tới xây dựng hạ tầng số, sở hữu trí tuệ và những nội dung liên quan tại các đô thị, xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Phối hợp Trung tâm Phục vụ hành chính công, Văn phòng UBND tỉnh và đơn vị liên quan rà soát, làm rõ căn cứ đánh giá kết quả, số liệu tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính thông qua dịch vụ công trực tuyến toàn trình, dịch vụ công trực tuyến một phần. Chủ trì, phối hợp, hướng dẫn các sở, ngành, địa phương trong tích hợp dữ liệu vào kho dữ liệu dùng chung của tỉnh. Khẩn trương hoàn thiện báo cáo điều chỉnh kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin năm 2024 để trình UBND.
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Sở Tư pháp, các đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu triển khai Nghị định 82/2024/NĐ-CP ngày 10/7/2024 của Chính phủ, thay thế Nghị định 73/2019/NĐ-CP (ngày 5/9/2019) về quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Yêu cầu các sở, ngành đối chiếu, tập trung triển khai các nhiệm vụ theo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh cũng như kế hoạch của UBND tỉnh về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, Hải Dương đã đạt nhiều kết quả cụ thể về những nhiệm vụ trọng tâm trong chuyển đổi số, gồm nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, an toàn thông tin mạng, triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án chuyển đổi số.
Trong đó, doanh thu của các kho hàng ở Hải Dương trên sàn thương mại điện tử đứng thứ 6 trên toàn quốc, sản lượng bán tại các kho ở Hải Dương trên sàn thương mại điện tử đứng thứ 4 trên toàn quốc. Năm 2023, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của tỉnh ước đạt 17,5%.
Hơn 150.100 hộ sản xuất nông nghiệp kinh doanh trên sàn thương mại điện tử đang hoạt động, hơn 173.730 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số, hơn 1.160 sản phẩm của tỉnh được đưa kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, phát sinh hơn 41.130 giao dịch, xếp thứ 7 trên toàn quốc.
Hải Dương đã hoàn thành việc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với 710/710 sơ sở kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền. Lũy kế đến tháng 5/2024 đã sử dụng hơn 33 triệu hóa đơn.
Các ngân hàng trên địa bàn đã phát hành gần 4,3 triệu thẻ ngân hàng các loại, gần 2.000 máy POS được sử dụng trong thanh toán. Toàn tỉnh có 105.320 người được chi trả trợ cấp an sinh xã hội qua tài khoản ngân hàng, đạt gần 89% tổng số người được hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.
Theo thống kê từ Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số EMC, nửa đầu năm 2024 Hải Dương có tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đạt 87%, trong đó tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 16%, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt 83%, tỷ lệ trả kết quả theo hình thức trực tuyến đạt 100%.
Tỉnh đã triển khai hoạt động giám sát, đánh giá, bảo vệ, ứng cứu các hệ thống thông tin theo mô hình 4 lớp, bảo đảm khả năng thích ứng chủ động, linh hoạt, giảm thiểu nguy cơ, đe dọa đối với an toàn thông tin trên không gian mạng. Xây dựng kịch bản, giải pháp phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó sự cố liên quan.
Đặc biệt, Hải Dương vừa ban hành Chiến lược dữ liệu tỉnh đến năm 2030. Đây là một trong những tiền đề rất quan trọng để triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số chung của tỉnh.