Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh yêu cầu các đơn vị thực hiện chuyển đổi số kịp thời, tiết kiệm
Sáng 11.5, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) tổ chức hội nghị để nghe Sở Thông tin và Truyền thông (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo) báo cáo một số nội dung.
Phát biểu kết luận, đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo cơ bản nhất trí các dự thảo báo cáo tại hội nghị, yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông tiếp thu ý kiến tham gia. Rà soát phương hướng nhiệm vụ 8 tháng cuối năm 2023 bảo đảm đồng bộ với kế hoạch chuyển đổi số năm 2023; phân định rõ mối quan hệ giữa các đề án về chuyển đổi số với Đề án 06.
Nhấn mạnh chuyển đổi số đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của kinh tế-xã hội, góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự vào cuộc của các sở, ngành, địa phương trên lộ trình chuyển đổi số. Kết quả 4 tháng đầu năm cho thấy Hải Dương đã có sự chuyển biến rõ nét trên nhiều phương diện như nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nền tảng số, từ đó góp phần xây dựng hiệu quả hơn 3 trụ cột về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Đặc biệt, sự chuyển biến nhanh, mạnh của chính quyền số đã góp phần nâng cao hơn hiệu quả trong quản lý, điều hành.
Chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng đề nghị thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục rà soát việc thực hiện chuyển đổi số ở các sở, ngành, địa phương, đánh giá tổng thể về hạ tầng, nền tảng, trang thiết bị… bảo đảm hiệu quả tính kết nối, liên thông cũng như an toàn thông tin trên không gian mạng.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Kha trình bày một số kết quả nổi bật về chuyển đổi số tỉnh
Căn cứ kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin đã được phê duyệt, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị tăng cường triển khai ứng dụng, bảo đảm hiệu quả, kịp thời về thời gian, tiết kiệm về tài chính, nhất là tuyệt đối không xảy ra thất thoát, lãng phí.
Tại hội nghị, một số thành viên Ban Chỉ đạo đã nêu ý kiến thảo luận về việc làm rõ nhiệm vụ của kế hoạch chuyển đổi số năm 2023, nhất là giải pháp để tăng hạng chuyển đổi số tỉnh, cải thiện chỉ số cải cách hành chính…
Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, 4 tháng đầu năm 2023, chuyển đổi số tỉnh đã đạt một số kết quả cụ thể về 11 vấn đề số: nhận thức, thể chế, hạ tầng, nền tảng, dữ liệu, nhân lực, an toàn thông tin mạng, chính quyền, kinh tế, xã hội, triển khai Đề án 06.
Nổi bật là kết quả phát triển chính quyền số. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đã kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng Hỗ trợ thanh toán trực tuyến quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác giải quyết thủ tục hành chính. Hiện Hải Dương đã tích hợp 576 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, cung cấp 1.946 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 582 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh. Từ tháng 12.2022 đến tháng 3.2023, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ trực tuyến tăng từ 76% lên 100%, tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến tăng từ 56% lên 81%.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Vũ Văn Tùng tham gia ý kiến tại hội nghị
Số thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia 385 thủ tục (đạt tỷ lệ 89,74%), tăng 29 thủ tục so với cuối năm 2022. Tỷ lệ thủ tục hành chính có giao dịch thanh toán trực tuyến đạt 20,07%, tăng 12,07% so với cuối năm 2022.
Về triển khai Đề án 06, theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, từ ngày 1.1-20.4.2023, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến của 23/25 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06 đạt trung bình 70%. Công an tỉnh đã thu nhận gần 860.000 tài khoản định danh điện tử (xếp thứ 10 toàn quốc); hướng dẫn, tuyên truyền người dân cài đặt, kích hoạt hơn 50.560 tài khoản định danh điện tử mức độ 1, hơn 412.310 tài khoản mức độ 2.