Là giải thưởng CNTT dành cho các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp tại 24 nền kinh tế thành viên của tổ chức Công nghiệp điện toán khu vực châu Á - châu Đại Dương, ASOCIO DX cũng nhằm khẳng định tầm quan trọng của công nghệ trong việc phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia.
Năm 2024, Ban tổ chức đã chọn trao 95 giải thưởng ASOCIO DX cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có đóng góp xuất sắc trong thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ ở cả lĩnh vực công và tư, với 10 hạng mục gồm: Chính phủ số; thành phố thông minh; giáo dục số; y tế số; an ninh mạng; ESG - Môi trường, xã hội, quản lý; doanh nghiệp công nghệ xuất sắc; hệ sinh thái và giải pháp số; hợp tác công tư; đối tác và nữ lãnh đạo trong công nghệ.
Thông tin từ Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam – VINASA, trong khuôn khổ hội nghị ASOCIO Digital Summit 2024 diễn ra tại Nhật Bản, sự kiện trao giải thưởng ASOCIO DX 2024 đã được tổ chức ngày 7/11.
Kết quả, Việt Nam có 9 cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp được vinh danh tại giải thưởng năm nay.
Trong đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế được vinh danh ở hạng mục ‘Thành phố thông minh’ nhờ những sáng kiến trong phát triển hạ tầng và các ứng dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Được xem là biểu tượng thành công trong xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số của Thừa Thiên Huế, nền tảng Hue-S đã đạt nhiều thành tựu.
Cụ thể, tất cả các dịch vụ đô thị thông minh của Thừa Thiên Huế đã được tích hợp vào nền tảng Hue-S, giúp kết nối hiệu quả với người dân và doanh nghiệp.
Đến nay, Hue-S đã có hơn 1 triệu lượt tải với 915.932 tài khoản đăng ký, trong đó hơn 800.000 tài khoản là của người dân Thừa Thiên Huế.
UBND tỉnh Bình Phước nhận giải ‘Chính phủ số’ của ASOCIO DX 2024 nhờ những kết quả nổi bật trong việc triển khai các chiến lược và giải pháp kỹ thuật số để cải thiện chất lượng dịch vụ cho người dân và công khai, minh bạch hoạt động của chính quyền.
Bình Phước đã ban hành chiến lược chuyển đổi số đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030, xác định tập trung đầu tư, hoàn thiện hạ tầng số; triển khai các trung tâm điều hành tích hợp - IOC ở cấp huyện; hạ tầng băng rộng cố định phủ sóng toàn bộ 843 thôn, ấp.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông - PTIT, đơn vị trực thuộc Bộ TT&TT, được vinh danh ở hạng mục ‘Giáo dục số’ do đã triển khai các sáng kiến ứng dụng công nghệ số hỗ trợ hoạt động giảng dạy và học tập.
PTIT đang nỗ lực để trở thành hình mẫu tiên phong trong chuyển đổi số giáo dục đại học. Ứng dụng PTIT S-link đã có gần 39.000 tài khoản, đang phục vụ hiệu quả các giảng viên, sinh viên nhà trường trong quá trình đào tạo; hệ thống thực hành ảo D-Lab cho các môn lập trình ngành CNTT, an toàn thông tin có gần 18.000 tài khoản, 15 môn học, 806 lớp học phần, gần 3.700 bài tập với gần 9,9 triệu lượt nộp bài.
Ngoài ra, PTIT cũng đã hoàn thành triển khai nền tảng quản lý văn bằng, chứng chỉ dựa trên công nghệ blockchain; hoàn thiện Prototype nền tảng giám sát thi, kiểm tra trực tuyến ứng dụng AI...
Sáu cá nhân, đơn vị khác cũng được trao giải thưởng ASOCIO DX 2024 là: VinBrain được vinh danh ở hạng mục ‘Y tế số’; công ty cổ phần Dịch vụ di động trực tuyến M_service nhận giải ‘Doanh nghiệp công nghệ xuất sắc’; công ty cổ phần Di chuyển xanh và thông minh nhận giải ESG; ‘Sky joy Vietjet Air’ đạt giải ‘Hệ sinh thái và giải pháp số’; Chủ tịch FPT Software Chu Thị Thanh Hà nhận giải phụ nữ trong công nghệ; Bộ KH&ĐT cùng FPT IS giành giải hạng mục ‘Hợp tác công - tư’.
Theo chia sẻ của Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VINASA Nguyễn Thị Thu Giang, việc các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam được vinh danh tại giải thưởng ASOCIO DX 2024 đã góp phần làm đậm nét hơn nữa hình ảnh Việt Nam trên bản đồ công nghệ số của khu vực và thế giới.
Qua đó, truyền cảm hứng cho những đơn vị, tổ chức, chính quyền và người dân trong việc tích cực chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mang lại hiệu quả tích cực trong mọi lĩnh vực của đời sống.