Kết luận hội nghị, truyền thông điệp chào mừng ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu cho phát triển nhanh và bền vững; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc, không có ai bị bỏ lại phía sau, với tinh thần “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã dạy.
Chứng minh tinh thần đoàn kết, trí tuệ, bản lĩnh của người Việt Nam, vượt mọi thác ghềnh đạt thành tựu quan trọng trong quá trình giành độc lập dân tộc, xây dựng, phát triển đất nước và nhắc lại nội dung bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm “Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, Thủ tướng Chính phủ khẳng định chuyển đổi số đã “đến từng ngõ, gõ từng nhà, qua mỗi người”.
Theo Thủ tướng, chuyển đổi số quốc gia tầm nhìn hướng tới năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, phát triển thịnh vượng, tiên phong ứng dụng các công nghệ mới và mô hình mới. Chính phủ xác định thực hiện “mục tiêu kép”: vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số ở trình độ cao; vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ vui mừng nhận thấy chuyển đổi số quốc gia, kinh tế số đạt được nhiều kết quả tích cực, có tác động, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt kinh tế, xã hội, văn hóa của đất nước và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam có bước tiến mạnh mẽ trong xếp hạng về chuyển đổi số quốc tế.
Ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm, kết quả đạt được của bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, kết quả ngày hôm nay mới chỉ là những kết quả bước đầu, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, say sưa với những kết quả đạt được; vẫn còn nhiều việc phải làm phía trước.
Quán triệt quan điểm về phát triển kinh tế số, nâng cấp nền kinh tế số với những đột phá, cải cách mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa để Việt Nam bắt kịp, tiến cùng và vươn lên trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, thương mại… hướng tới một xã hội số phát triển, thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chuyển đổi số cần hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy phát triển kinh tế số, chuyển đổi xanh, giảm phát thải gắn với phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trong đó phải đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược số gồm thể chế số, hạ tầng số, nguồn nhân lực số, với "thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, nhân lực thông minh"; tăng tốc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển lực lượng sản xuất mới, chất lượng cao, chuyên nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải hoàn thiện hành lang pháp lý số cho mọi vấn đề liên quan đến kinh tế, giao dịch dân sự, sản xuất, kinh doanh… gắn với cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ; miễn giảm thuế, phí, lệ phí; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Trong đó, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù trong chuyển đổi số, nhất là lĩnh vực tài chính, tín dụng, đầu tư, đấu thầu, mua sắm, thuê mướn, chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cơ chế thử nghiệm, quỹ đầu tư…; đẩy nhanh tiến trình đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số, thiết lập hiệu quả các kênh cung cấp dịch vụ số, nhất là thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến…
Chỉ đạo tạo đột phá về hạ tầng số và các hạ tầng khác, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu sớm đưa 5G vào thương mại tại một số thành phố lớn, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ số, thúc đẩy sản xuất hiện đại; nâng cấp hạ tầng trục viễn thông quốc gia và đa dạng hóa địa bàn, phương thức kết nối, mở rộng kết nối cáp quang biển quốc tế, phát triển vệ tinh… tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới; cung cấp dịch vụ viễn thông bằng vệ tinh; phát triển hạ tầng internet vạn vật để tăng cường khả năng kết nối, thu thập, chia sẻ dữ liệu tự động, thông minh, phục vụ cho phát triển các ngành, lĩnh vực, đô thị thông minh.
Trong công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số cả trong nhà nước và tư nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ phải đa dạng hóa phương thức đào tạo, chú trọng đào tạo kỹ năng số, gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số; tăng cường hợp tác, giao lưu, học hỏi quốc tế trong chuyển đổi số. Bên cạnh đó, tiếp tục có giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn trong chuyển đổi số, nhất là trên không gian mạng.