Thông tin chuyển đổi số
Lừa đảo mạo danh hãng chuyển phát liên tục tấn công người dùng Việt
22/08/2024 08:39:27

Trước tình trạng ‘bùng phát’ các vụ giả mạo shipper, mạo danh hãng chuyển phát để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến nghị người dân nâng cao cảnh giác, không truy cập vào đường dẫn do đối tượng lạ gửi.

Ngày 17/8 vừa qua, anh L.T ở Nam Từ Liêm (Hà Nội) nhận được cuộc gọi của một đối tượng xưng là nhân viên giao hàng của Công ty Giao hàng nhanh, thông báo anh có 1 đơn hàng và cần thanh toán qua số tài khoản đối tượng này gửi trong tin nhắn.

Vốn hay mua hàng online, anh L.T đã chuyển khoản gần 300.000 đồng vào tài khoản đối tượng này gửi. Sau đó, đối tượng thông báo tiếp do thao tác nhầm nên cần khách hàng truy cập vào link để hủy việc đăng ký thẻ hội viên. Do nghi ngờ bị lừa đảo, người dùng này đã không thực hiện theo yêu cầu của đối tượng lừa đảo.

Cũng gặp tình huống tương tự với đối tượng giả mạo nhân viên Công ty Giao Hàng Tiết Kiệm, chị L.H hiện trú tại quận Đống Đa (Hà Nội) sau khi mất gần 400.000 đồng tiền đơn hàng thì đã mất tiếp 22 triệu đồng vì làm theo hướng dẫn của đối tượng lừa đảo.

Là chủ một cửa hàng online trên Facebook, chị N.T.S những ngày gần đây đã liên tục nhắc nhở các khách hàng của mình để tránh bẫy lừa đảo của những nhân viên giao viên hàng giả mạo. Cùng với nhắc nhở: “Khi có shipper yêu cầu chuyển khoản cho đơn hàng gửi từ N.T.S, các chị em cần chú ý kiểm tra lại đã có thông báo hàng về trong inbox từ 4 quản trị viên của nhóm hay không, không chuyển khoản cho shipper khi không có tin nhắn từ quản trị viên nhóm”, chủ cửa hàng online này cũng lưu ý thêm các khách hàng cần yêu cầu shipper chụp ảnh gói hàng, vận đơn để báo shop kiểm tra.
 
Cục An toàn thông tin ghi nhận tình trạng 'bùng phát' các trường hợp giả mạo nhân viên giao hàng của các doanh nghiệp chuyển phát uy tín để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ảnh minh họa: NCSC

Không chỉ bị giả mạo nhân viên giao hàng, thời gian gần đây, các doanh nghiệp bưu chính chuyển phát trong nước còn bị mạo danh để lừa đảo tuyển dụng. Đơn cử như, với Vietnam Post, 2 tháng gần đây, doanh nghiệp này đã liên tục đăng cảnh báo trên fanpage về việc bị các đối tượng giả mạo thương hiệu để lừa đảo tuyển dụng.

Ngoài việc công bố công khai các kênh thông tin chính thống của đơn vị mình, Vietnam Post cũng đề nghị khách hàng không làm theo yêu cầu của các đối tượng lừa đảo, không truy cập các đường link lạ được gửi đến email cá nhân và không giao dịch thanh toán bất cứ khoản phí nào khi các đối tượng yêu cầu.

Trong cảnh báo mới nhất về lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin cho hay, thời gian gần đây, đã xuất hiện nhiều đối tượng giả danh nhân viên giao hàng của các thương hiệu chuyển phát uy tín để chiếm đoạt tài sản của người dân.

Phân tích của Cục An toàn thông tin chỉ ra rằng, thủ đoạn của các đối tượng là gọi điện thoại cho người dân tự xưng là nhân viên giao hàng, thông báo có đơn cần giao và yêu cầu chuyển khoản để thanh toán tiền COD - hình thức thanh toán khi nhận hàng. Sau khi người dùng chuyển khoản thành công, đối tượng sẽ thông báo do nhầm lẫn nên số tài khoản trên là số đăng ký thẻ hội viên shipper, khi chuyển tiền vào đó trung tâm sẽ kích hoạt gói cước hội viên, mỗi tháng tự động bị trừ 3,5 triệu đồng từ tài khoản.

Lúc này, đối tượng gửi cho nạn nhân đường dẫn đến trang Facebook và số điện thoại giả mạo trung tâm vận chuyển để liên hệ hủy đăng ký hội viên. Khi bấm vào đường link giả mạo và nhập các thông tin cá nhân theo hướng dẫn của đối tượng lừa đảo, người dùng có nguy cơ bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.

 
Cách nhận diện kẻ lừa đảo mạo danh, theo khuyến nghị của Cục An toàn thông tin và Meta. Ảnh: NCSC

Khuyến nghị người dân nâng cao cảnh giác khi tham gia mua sắm online, chuyên gia Cục An toàn thông tin cũng đề nghị người tiêu dùng trực tuyến luôn xác minh thông tin liên quan đến các dịch vụ hoặc chương trình khuyến mãi. Người tiêu dùng cũng không nên chuyển tiền cho các đối tượng yêu cầu thanh toán trước khi nhận hàng hoặc trước khi đăng ký dịch vụ; Đặc biệt là tuyệt đối không truy cập vào các đường dẫn do người lạ gửi đến.

Theo Cục An toàn thông tin, để không trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo tuyển dụng, các ứng viên cần cẩn trọng trước những thông tin không rõ nguồn gốc hoặc các cuộc gọi, tin nhắn bất thường; Luôn kiểm tra thông tin về đơn vị tuyển dụng qua website, fanpage chính thống và các nguồn tin đáng tin cậy khác.

Bên cạnh đó, người dân cũng được khuyên không nên giao dịch chuyển khoản hay cung cấp thông tin cá nhân quan trọng khi chưa xác thực địa chỉ và thông tin công ty một cách chắc chắn; Đồng thời, cần tìm hiểu rõ về quy trình phỏng vấn, hợp đồng lao động và các điều khoản quy định của đơn vị tuyển dụng trước khi đăng ký ứng tuyển.