Mục tiêu của kế hoạch nhằm bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em khi trẻ em tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật. Đồng thời trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi để biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng, trong đó gồm: sử dụng mạng lành mạnh, an toàn; tự bảo vệ mình khi tham gia tương tác trên môi trường mạng và cách thức nhận diện, thông báo, tố giác hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Cùng với đó truyền thông đến toàn xã hội, tập trung vào các cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ về kiến thức, kỹ năng hỗ trợ, định hướng trẻ em tương tác an toàn, lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng...
Theo đó, nội dung của kế hoạch chú trọng đến công tác giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng. Cụ thể là phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực, phổ biến kỹ năng cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, giáo viên, học sinh và cộng đồng về công tác bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng; tăng cường đổi mới cách thức, nội dung công tác truyền thông theo hướng gần gũi, sinh động để thu hút học sinh, sinh viên, đặc biệt đối với các hình thức truyền thông trên Internet; cung cấp số điện thoại đường dây nóng Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111 tiếp nhận thông tin báo cáo xâm hại trẻ em) và địa chỉ liên hệ của các trung tâm, tổ chức tư vấn, cứu trợ khẩn cấp. Lồng ghép vào chương trình giáo dục các nội dung trang bị kiến thức, nâng cao nhận thức về môi trường mạng cho trẻ em và kỹ năng cơ bản khi tham gia sử dụng Internet, cách thức tìm kiếm sự hỗ trợ khi bị xâm hại trên môi trường mạng; trang bị “bộ kỹ năng số" cơ bản cho học sinh theo độ tuổi; đẩy mạnh các hình thức tư vấn hỗ trợ học sinh thông qua tư vấn học đường. Phát triển các chương trình, hình thức giáo dục dành cho đối tượng trẻ em không đến trường học thông qua hệ thống bảo vệ trẻ em tại cộng đồng, các tổ chức xã hội, tổ dân phố, trung tâm tư vấn. Khuyến khích, thúc đẩy gia đình, cha, mẹ học sinh, sinh viên, giáo viên và cộng đồng chủ động, thường xuyên cập nhật kiến thức, phương pháp hướng dẫn học sinh cáckỹ năng tự bảo vệ mình, tìm hiểu thông tin và khả năng tự phát hiện, tố cáo các hành vi có nguy cơ xâm hại khi tham gia môi trường mạng.

Thông qua các tiết sinh hoạt dưới cờ, Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng - TP Hải Dương thường xuyên lồng ghép chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cho học sinh tương tác lành mạnh trên môi trường mạng
Bên cạnh đó là Công tác triển khai công nghệ chuyển đổi số để thực hiện nhiệm vụ. Bao gồm: tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, đào tạo nâng cao trình độ công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, giáo viên để đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, kịp thời ứng phó với các vấn đề liên quan đến trẻ em trên môi trường mạng; tham gia các chương trình tập huấn, nâng cao năng lực, cập nhật kiến thức, công nghệ, kỹ năng tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho cán bộ, giáo viên trong công tác bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên qua thiết lập các kênh thông tin thân thiện để tiếp nhận phản ánh về các hình ảnh, video, nội dung xâm hại trẻ em trên môi trường mạng theo hướng tích hợp thành một đầu mối duy nhất; có cơ chế kết nối để các nhà cung cấp dịch vụ nội dung trên Internet có thể tích hợp chế độ báo cáo tự động về các nội dung nguy hại, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng về cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, khai thác và quản lý kho dữ liệu điện tử góp phần thực hiện chuyển đổi số một cách an toàn trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập trên môi trường mạng, đồng thời quản lý tốt việc học sinh truy cập mạng, đổi mới cách thức tương tác giữa nhà trường với gia đình và học sinh; Phát triển các sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông hỗ trợ học tập trên môi trường mạng để học sinh truy cập, khai thác nguồn tài nguyên trực tuyến một cách chủ động, sáng tạo, hiệu quả và an toàn. Biểu dương, khen thưởng kịp thời và nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo. Xây dựng cơ chế phối hợp, quy trình xử lý trong việc tiếp nhận thông tin, điều tra, xử lý các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng giữa các cơ quan quản lý nhà nước liên quan theo hướng mỗi khâu có một đầu mối cụ thể chịu trách nhiệm; thiết lập cơ chế liên ngành theo dõi tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng.
Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng theo chức năng, nhiệm vụ được giao; lồng ghép vào chương trình giáo dục việc đào tạo “bộ kỹ năng số" cho trẻ em theo độ tuổi gồm một số nội dung, kỹ năng như: kiến thức về mạng Internet, mạng xã hội; kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin tối thiểu; bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng; cách thức nhận biết khi bị lợi dụng, xâm hại trên môi trường mạng và nơi cần thông tin, phản ánh...Xây dựng, triển khai mô hình, quy chế quản lý việc dạy học trực tuyến và các hướng dẫn cho cán bộ, giáo viên về nội dung bảo đảm an toàn thông tin, tham gia môi trường mạng an toàn đối với các hoạt động giảng dạy, quản lý giáo dục. Đồng thời phối hợp với cơ quan thông tin và truyền thông triển khai các giải pháp kỹ thuật tại trường học nhằm giám sát, chặn lọc truy cập các nội dung vi phạm pháp luật, các nội dung không phù hợp với học sinh theo từng lứa tuổi...