Trong thời đại công nghệ 4.0 chiếc điện thoại thông minh đã trở thành vật bất ly thân của đại đa số người dân ở Hải Dương. Người già cũng không ngoại lệ do họ có nhiều thời gian rảnh hơn, thiết bị này càng trở nên gần gũi để họ bầu bạn, giao tiếp với thế giới bên ngoài.
Làm bạn với điện thoại
Một buổi chiều đầu đông tôi đến nhà ông Nguyễn Quyên, ở khu 11, phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương), lúc này ông đang ngồi chăm chú bấm bấm lên màn hình chiếc điện thoại iPhone. Mặc dù đã 80 tuổi và chỉ "mổ cò", nhưng từng chữ được ông soạn khá thạo và nhanh. "Tôi đang nhắn tin hẹn mấy người bạn trong câu lạc bộ đạp xe sáng mai xuất phát muộn hơn nửa tiếng so với mọi ngày vì buổi sáng mùa đông trời khá lạnh và tối. Từ ngày biết dùng Zalo tôi thấy tiện lợi hơn, đi đâu tôi cũng mang điện thoại theo", ông Quyên nói.
Ngoài vào mạng xã hội để nhắn tin, gọi điện, ông Quyên còn dành nhiều thời gian lên mạng đọc báo cập nhật tin tức, tìm hiểu kiến thức về lịch sử, y học để viết sách. Trên bàn làm việc của ông có những quyển sách ghi chép cẩn thận những sự kiện lịch sử, sách đông y để ông truyền dạy con cháu và chia sẻ những bài thuốc quý cho người thân, bạn bè.
Hầu hết con cháu đều ở xa, ít có điều kiện về thăm nên hằng ngày bà Nguyễn Thị Hoa, 83 tuổi, ở khu 1, phường Nhị Châu (TP Hải Dương) chỉ còn biết làm bạn với chiếc điện thoại. Được con mua cho điện thoại mới từ đầu năm nay nhưng lúc đầu bà ít sử dụng, sợ hỏng và tốn tiền nên chỉ dùng để nghe. Sau này bà được người bạn trong xóm hướng dẫn xem YouTube, gọi Zalo nên bà mừng lắm. "Hôm nào tôi cũng có thể gọi điện cho con cháu để hỏi han sức khỏe và tình hình học tập. Nhìn thấy các cháu nô đùa khiến nhà cửa vui vẻ hẳn lên, cứ ngỡ chúng nó đang bên cạnh mình vậy", bà Hoa chia sẻ.
Là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khu dân cư 6, phường Trần Phú (TP Hải Dương), ông Nguyễn Đình Trung, 69 tuổi lập nhóm Zalo của khu để tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cũng như những chỉ đạo, thông báo của chính quyền địa phương để nhân dân nắm bắt kịp thời. Nhóm Zalo này đã phát huy hiệu quả cao trong thời kỳ cao điểm phòng chống dịch Covid-19.
Những năm 80 của thế kỷ trước, ông Trung được học tập ở bên Nga, tiếp xúc với máy vi tính từ sớm nên ông sử dụng thành thạo công cụ Word, Excel để soạn thảo văn bản phục vụ công tác quản lý của mình. Ông Trung cho biết: "Tôi quản lý dữ liệu dân cư của khu bằng file Excel, tổng số nhân khẩu, người sinh, người mất được cập nhật chính xác, kịp thời. Ngoài tự làm cho mình, vừa qua tôi còn hướng dẫn người dân trong khu đăng ký tài khoản định danh điện tử VNeID, tài khoản dịch vụ công trực tuyến và cảnh báo một số thủ đoạn lừa đảo trên mạng hiện nay để người dân phòng tránh".
Sử dụng mạng xã hội an toàn
Dùng mạng xã hội giúp những người cao tuổi tránh được phần nào cảm giác cô đơn, buồn chán nhưng họ cũng dễ gặp những rắc rối, phiền hà, có người bị lừa đảo suýt mất rất nhiều tiền.
Bà Đ.T.T ở khu 1, phường Thanh Bình (TP Hải Dương) được con mua cho điện thoại "xịn" để bầu bạn. Lúc đầu bà T. chỉ xem video hướng dẫn nấu ăn, ca nhạc trên YouTube, dần dần bà lướt đến clip đời tư của các nghệ sĩ với những thông tin chưa được kiểm chứng rồi tin đó là sự thật và kể chuyện với mọi người.
Việc người già xem livestream bán hàng trên Facebook rồi bình luận, hỏi giá, chốt đơn không còn là chuyện hiếm. Anh N.V.M làm shipper ở TP Hải Dương cho biết đã không ít lần giao hàng cho người cao tuổi. Có người nhận hàng, kiểm tra hàng thấy không giống như quảng cáo trên mạng nên yêu cầu đổi trả mất thời gian.
Người già ham công nghệ, "nghiện" mạng xã hội có thể là dấu hiệu của sự cô đơn. Nhu cầu tiếp cận thông tin, trao đổi, chia sẻ đều được chiếc điện thoại thông minh đáp ứng nên thiết bị này trở thành người bạn thân thiết của họ. Do đó, con cháu nên dành nhiều thời gian quan tâm tới ông bà, cha mẹ hơn. Thường xuyên trao đổi thông tin, hướng dẫn người già cách sử dụng mạng xã hội thông minh và an toàn để tránh bị lừa đảo hoặc vô tình chia sẻ những thông tin giả, gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.