Sáng ngày 29/7, Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị sơ kết công tác Thông tin và Truyền thông 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 66 điểm cầu trên toàn quốc.
Để bày tỏ lòng biết ơn vô hạn trước những công lao to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam vừa từ trần, trước khi bắt đầu hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các Thứ trưởng Phạm Đức Long, Nguyễn Huy Dũng, Nguyễn Thanh Lâm, Bùi Hoàng Phương cùng tất cả đại biểu tham dự đã dành một phút mặc niệm, tưởng nhớ Tổng Bí thư.
Với tinh thần luôn đổi mới từ những việc nhỏ, hội nghị triển khai phương hướng, nhiệm vụ nửa cuối năm nay khác biệt hẳn so với các lần hội nghị trước. Không còn các bài trình bày tham luận, báo cáo, phần lớn thời gian của hội nghị tập trung vào việc chia sẻ những nhận thức mới về công tác quản lý và thực thi của ngành TT&TT, đặc biệt là việc chuyển đổi số.
Trong kết luận hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định: “Chuyển đổi số đã đến từng ngõ, gõ từng nhà, vào từng người. Niềm tin của các cấp, các ngành, các địa phương, người dân và doanh nghiệp được củng cố và nâng lên, góp phần truyền cảm hứng và tạo động lực phát triển mới”.
Đánh giá trên của người đứng đầu Chính phủ đã được chứng minh, thể hiện tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 của ngành TT&TT thông qua bộ phim ngắn do Cục Chuyển đổi số quốc gia thực hiện.
Bộ phim đã tập trung làm rõ bức tranh chuyển đổi số, điểm ra những kết quả nổi bật, một số điển hình thành công, đồng thời, vạch rõ các nhiệm vụ trọng tâm cùng những bài học nhằm giúp toàn ngành chuyển đổi hiệu quả, thực chất và bền vững thời gian tới.
“Các lĩnh vực Bộ TT&TT quản lý, lĩnh vực nào cũng có chuyển đổi số, nên đều sẽ thấy mình trong video”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lý giải.
Tại hội nghị, nhiều nhận thức mới về chuyển đổi số mà Bộ TT&TT đúc rút sau 4 năm triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia đã được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Theo đó, chuyển đổi số việc khó nhất là việc dễ nhất và ngược lại. Bởi lẽ, với hệ thống chính quyền hay một tổ chức, doanh nghiệp, dễ nhất là ra quy định mọi hoạt động của nhân viên phải được ghi nhận trên môi trường số. Thế nhưng, khó nhất là sau khi có “đống” dữ liệu, phải làm gì với nó.
“Bản chất chuyển đổi số chỉ có 2 việc. Đầu tiên là ghi nhận mọi hoạt động của cán bộ, nhân viên từ mức thấp nhất lên môi trường số. Sau khi có dữ liệu, dùng AI phân tích, đánh giá, đề xuất. Lúc này, các dấu hiệu làm sai quy định, tham nhũng... sẽ nhanh chóng được phát hiện, nhắc nhở kịp thời”, Bộ trưởng nêu quan điểm.
Nhấn mạnh vai trò mang tính quyết định của người đứng đầu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thay đổi hơn là cuộc cách mạng về công nghệ. Chuyển đổi số 70% là thay đổi, 30% là công nghệ. Chuyển đổi số muốn thành công quyết định ở việc người đứng đầu muốn thay đổi.
Qua 4 năm triển khai, cơ bản các yếu tố công nghệ để thực hiện chuyển đổi số ở Việt Nam đã sẵn sàng. Bây giờ, yếu tố quyết định sự thành công của công cuộc chuyển đổi số quốc gia sẽ nằm ở người đứng đầu các cấp.
“Nếu người đứng đầu không trực tiếp vào cuộc, không trực tiếp chỉ đạo, không trực tiếp làm, không trực tiếp dùng, không trực tiếp tự mình chuyển đổi thì sẽ không thành công”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Theo người đứng đầu ngành TT&TT, cách tiếp cận mới thời chuyển đổi số sẽ là: Làm thí điểm thành công rồi phổ cập; Từ khóa quan trọng nhất thời chuyển đổi số là "hợp tác"; Thể chế hóa chuyển đổi số bằng cách mỗi bộ luật phải có 1 chương, điều về hoạt động trên môi trường số; Quản trị số đầu tiên là kết nối online, không để con người can thiệp vào số liệu; AI là trợ lý của con người...
Việt Nam có thể làm những điều thế giới chưa làm
Nhấn mạnh chuyển đổi số đặt ra yêu cầu tất cả các ngành nghề cần được định nghĩa lại, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ: Một trong những việc quan trọng của người lãnh đạo là định nghĩa lại nghề của mình, bản chất là mở rộng không gian hoạt động. Ai định nghĩa lại nghề nghiệp của mình sớm hơn thì sẽ có cơ hội hơn.
Trên cơ sở lý luận đó, Bộ trưởng đã đưa ra những gợi mở về cách thức mở rộng không gian của một số ngành nghề như làm báo, nghề xuất bản, an toàn thông tin, thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại.
Quan điểm, định hướng nêu trên đã phần nào được thể hiện khi Bộ TT&TT phối hợp cùng Trường Doanh nhân PACE và ông David L Rogers - tác giả hàng đầu về chuyển đổi số cho ra đời cuốn sách tinh gọn “Tóm lược chuyển đổi số - chiến lược và lộ trình”.
Lý giải về sự ra đời cuốn sách này, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) cho hay, ngành xuất bản đang tồn tại một nghịch lý, đó là sách thì nhiều nhưng sách hay ít, người mua, người đọc cũng ít. Muốn phát triển, người làm sách phải đổi mới tư duy, thay đổi cách làm sao cho phù hợp với thị hiếu.
Đây là quyển sách đầu tiên trên thế giới mà tác giả cô đọng nội dung cuốn sách dành riêng cho Việt Nam. Từ câu chuyện thuyết phục tác giả nổi tiếng rút gọn, cô đọng nội dung 2 cuốn sách thành 1 ấn phẩm tinh gọn dành riêng, Bộ trưởng mong muốn truyền đi thông điệp Việt Nam có thể làm những điều thế giới chưa làm, tham gia vào việc dẫn dắt thế giới.
Người đứng đầu ngành TT&TT còn lưu ý về sự kết hợp hài hòa giữa tri thức nhân loại và xu thế thời đại, cộng với thực tiễn Việt Nam, văn hoá Việt Nam. Đây chính là công thức thành công trong thời đại mới. Bộ trưởng cũng chỉ rõ, một tổ chức nếu muốn đi xa, muốn lớn lên thành tổ chức vĩ đại, tổ chức đó cần phải có tư tưởng dẫn lối, thông qua việc phát triển lý luận của riêng mình.
Trong khuôn khổ hội nghị, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho Vụ Pháp chế và Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, 2 tập thể đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm 2023 của Bộ TT&TT. Tổng biên tập báo VietNamNet - ông Nguyễn Văn Bá nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT. A Ảnh: Lê Anh Dũng Với mục đích ghi nhận đóng góp của các tập thể, cá nhân ngành TT&TT trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, Bộ TT&TT đã tặng Cờ thi đua của Bộ cho 11 tập thể có thành tích xuất sắc trong năm 2023; tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT cho 3 tập thể đạt giải thưởng ASEAN Digital Awards 2024 gồm Galaxy Play, VinBrain và FPT IS. Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng được trao tặng cho 3 cơ quan báo chí gồm Ban Thời sự - Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, Báo VietNamNet và 6 cá nhân thuộc các cơ quan báo chí. Đây là những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thông tin, tuyên truyền về ngành TT&TT. |