Thông tin chuyển đổi số
Chuyển đổi số cần thể chế số, hạ tầng số và cán bộ số
01/11/2024 01:32:39

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng chuyển đổi số cần thể chế số; thể chế cho chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; cách mạng chuyển đổi số chủ yếu là cách mạng về thể chế.

 
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Chuyển đổi số (CĐS) là 2 câu chuyện tách bạch rõ ràng. Câu chuyện công nghệ và câu chuyện chuyển đổi. Ảnh: Lê Anh Dũng

Thời CNTT là ứng dụng công nghệ để làm tốt hơn, nhanh hơn các việc cũ, theo quy trình cũ, không cần thay đổi nhiều. Bởi vậy mà công nghệ là câu chuyện chính. Người lãnh đạo cũng bị cuốn vào câu chuyện công nghệ, bị cuốn vào chỗ không đúng nghề, và vì vậy làm chậm quá trình ứng dụng. Thời CNTT vì chỉ có một việc chính là công nghệ nên nhiều tổ chức tự làm CNTT và vì vậy cũng làm chậm quá trình phổ cập ứng dụng, làm chậm cả việc tạo ra các doanh nghiệp CNTT.

Chuyển đổi số (CĐS) là 2 câu chuyện tách bạch rõ ràng. Câu chuyện công nghệ và câu chuyện chuyển đổi. Trong đó, câu chuyện chuyển đổi là chính, là 70%. Công nghệ thì đã sẵn sàng cho mọi chuyển đổi và đang đợi người lãnh đạo ra lệnh chuyển đổi. Người lãnh đạo không nên bị cuốn vào câu chuyện công nghệ, vì đây không phải nghề của người lãnh đạo. Người lãnh đạo tập trung vào việc xác định các vấn đề, "nỗi đau" của tổ chức và ra lệnh dùng công nghệ số để giải quyết, sẵn sàng thay đổi quy trình, cách thức vận hành để đạt hiệu quả, đây mới là đúng nghề, đúng vai của người lãnh đạo. Một khi đã đúng vai, đúng nghề thì việc sẽ dễ đi rất nhiều.

Thời CĐS thì rõ là có 2 việc khác nhau. Việc thay đổi là việc của lãnh đạo. Việc công nghệ tuy là 30% nhưng lại khó hơn, phức tạp hơn thời CNTT. Bởi vậy, thời CĐS thì cơ bản việc công nghệ là chuyển cho doanh nghiệp công nghệ làm, và đây cũng là đúng vai, đúng nghề. Tổ chức sau khi đã có quyết định của người lãnh đạo về CĐS thì đặt ra bài toán cho doanh nghiệp công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp về dữ liệu và tri thức của tổ chức để hoàn thiện sản phẩm, rồi sau đó là thành thạo sử dụng. Thành thạo sử dụng trở thành một yêu cầu quan trọng để CĐS thành công. Bởi vì hoàn thiện phần mềm thời CĐS lại không thể chỉ dựa 100% vào doanh nghiệp công nghệ, mà phụ thuộc chủ yếu vào yêu cầu của người dùng. Người dùng chỉ có thể đặt ra được yêu cầu khi thành thạo sử dụng. Thành thạo sử dụng cũng có một ý nghĩa khác nữa là khai thác hết năng lực của phần mềm.

Việc phân vai đúng luôn là nhân tố quyết định thành công: Lãnh đạo đặt ra bài toán, doanh nghiệp công nghệ làm phần mềm, cán bộ công chức cung cấp dữ liệu, tri thức cho doanh nghiệp và thành thạo sử dụng. Việc phân vai phát triển phần mềm cho doanh nghiệp sẽ tạo ra các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam xuất sắc, giúp họ lớn mạnh và đi ra toàn cầu, hình thành các doanh nghiệp công nghệ lớn để sau này đủ sức đầu tư nghiên cứu làm chủ công nghệ nguồn.

Một xã hội mà mọi người, mọi tổ chức trong xã hội đó được phân đúng vai luôn là điều kiện đầu tiên để tạo ra sự phát triển xuất sắc. Đúng vai rồi thì việc thuộc bài mới làm được. Thuộc bài là làm việc của mình và làm việc đó đạt đến mức xuất sắc.

Chỉ khi chuyển đổi số trở thành sự nghiệp, thành công việc hằng ngày của toàn Đảng, toàn dân thì giá trị mang lại cho đất nước mới thực sự lớn. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

CĐS Việt Nam đã sang năm thứ 5. Với phát biểu về CĐS của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vào đúng ngày lập nước 2/9/2024, thì CĐS Việt Nam đã thực sự trở thành sự nghiệp của toàn Đảng và toàn dân ta. Chỉ khi CĐS trở thành sự nghiệp, thành công việc hằng ngày của toàn Đảng, toàn dân thì giá trị CĐS mang lại cho đất nước mới thực sự lớn. Chỉ khi đó, CĐS mới là động lực chính cho phát triển. Có thể coi 4 năm qua là khởi động, là thí điểm, là thành công bước đầu ở một số lĩnh vực, là hình thành lý luận và cách làm CĐS Việt Nam. Và năm thứ 5 này, nó đã thực sự trở thành sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. CĐS trở thành trọng tâm trong hoạt động của Đảng, Nhà nước và cần có đột phá chiến lược để CĐS góp phần quan trọng vào việc hoàn thành 2 mục tiêu trăm năm.

Muốn phát triển cái gì thì cũng cần thể chế (luật pháp, cơ chế, chính sách) cho nó. Cần có hạ tầng cho nó. Và cần có cán bộ, nhân lực để làm nó.

Chuyển đổi số thì cần thể chế số. Thể chế cho chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Thể chế số thì cần vừa theo kịp vừa kiến tạo phát triển. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

CĐS thì cần thể chế số. Thể chế cho chính phủ số (CPS), kinh tế số (KTS) và xã hội số (XHS). Thể chế số thì cần vừa theo kịp vừa kiến tạo phát triển. Thể chế số mà có thì CĐS mới toàn dân, toàn diện được, nếu không thì chỉ là thí điểm lỗ chỗ. Thí điểm thành công mà không phổ cập được thì CĐS không tạo ra nhiều giá trị. Cách mạng CĐS thì chủ yếu là cách mạng về thể chế. Công nghệ số (CNS) tạo ra những thay đổi lớn, tạo ra lực lượng sản xuất mới, tạo ra cách thức hoạt động mới của tất cả các tổ chức, tạo ra mô hình kinh doanh mới. Nhưng nếu pháp luật không cho phép, hoặc không tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy các mô hình mới, cách thức vận hành mới thì đất nước sẽ không gặt hái được những lợi ích của CNS. Mô hình mới, cách thức vận hành mới chính là quan hệ sản xuất mới.

CĐS thì cần hạ tầng số. Hạ tầng số là hạ tầng chiến lược, giống như giao thông, điện. Hạ tầng luôn phải đi trước, đầu tư trước, có tầm nhìn xa, có khả năng mở rộng cho hàng chục năm. Hạ tầng số Việt Nam gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng Internet, hạ tầng dữ liệu (gồm cả dữ liệu), hạ tầng để số hoá thế giới thực (thí dụ như tạo ra một bản sao số về hệ thống thoát nước của TPHCM để sau đó có thể mô phỏng tìm ra giải pháp chống úng cho thành phố). Hạ tầng số Việt Nam phải đảm bảo băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, thông minh, mở, xanh và an toàn. Hạ tầng viễn thông thì do doanh nghiệp đầu tư kinh doanh. Hạ tầng số với nhiều cấu phần phải đi trước để dẫn dắt thì cần cả sự đầu tư của nhà nước.

Chuyển đổi số thì cần cán bộ số. Chuyển đổi số là sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước thì cần có cán bộ hiểu biết về chuyển đổi số để làm.Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

CĐS thì cần cán bộ số. CĐS là sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước thì cần có cán bộ hiểu biết về CĐS để làm. Không có cán bộ làm thì chủ trương đường lối sẽ vẫn tiếp tục là chủ trương đường lối mà không chuyển thành hiện thực được. Trước đến nay, trong khá nhiều trường hợp, sau khi đã có quyết sách về một việc nhưng chúng ta lại không bố trí cán bộ có chuyên môn, có hiểu biết về việc đó để điều động giao nhiệm vụ, nên thực thi vẫn luôn là khâu yếu của chúng ta. Thí dụ, Trung Quốc sau khi tuyên bố phát triển đất nước dựa trên CĐS, KHCN và ĐMST thì Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã yêu cầu đội ngũ lãnh đạo phải có kiến thức sâu rộng về CĐS, KHCN, ĐMST để thúc đẩy phát triển, cấp uỷ các cấp phải có tỷ lệ cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm về CĐS, KHCN, ĐMST.

CĐS thì cần kỹ năng số, nhân lực số và nhân tài số. Người Việt Nam giỏi về IT, CNS và nhanh nhẹn trong ĐMST. Đây là thuận lợi rất lớn của chúng ta. Việt Nam có nhiều doanh nghiệp CNS, không chỉ có thể CĐS Việt Nam mà có thể CĐS toàn cầu. Hiện nay, doanh thu từ thị trường nước ngoài về CNS, CĐS đã đạt gần 10 tỷ $/năm, và đang có tốc độ tăng trưởng rất cao. Việt Nam có thể và cần phải trở thành một trung tâm toàn cầu về nhân lực CNS và một trung tâm CĐS cho toàn cầu.

Tăng chi cho chuyển đổi số lên 2-3% ngân sách sẽ là cú huých lớn cho CĐS. Đây là mũi tên trúng 2-3 đích.Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

CĐS cũng cần phải có nguồn lực vật chất. Chính phủ là một hộ tiêu dùng lớn nhất của một nước, nếu Chính phủ tăng chi tiêu cho CĐS thì sẽ kích thích CĐS của toàn bộ quốc gia. Hiện nay, Chính phủ đang chi khoảng 1% ngân sách cho CĐS, đây là mức dưới trung bình thế giới. Tăng chi cho CĐS lên 2-3% ngân sách sẽ là cú huých lớn cho CĐS. Đây là mũi tên trúng 2-3 đích. Thứ nhất, xây dựng chính phủ số online, thông minh, dựa trên dữ liệu, hiệu lực và hiệu quả. Thứ hai, Chính phủ mà CĐS thì sẽ kéo theo các doanh nghiệp và người dân phải CĐS, sẽ tạo ra CĐS toàn dân và toàn diện. Thứ ba, thị trường CĐS lớn sẽ tạo ra nhiều doanh nghiệp CNS và trong số đó sẽ xuất hiện một số doanh nghiệp lớn, xuất sắc, đầu đàn, đủ sức làm chủ công nghệ nguồn và đi ra toàn cầu, trở thành các tập đoàn công nghệ đa quốc gia.

Chuyển đổi số thì cần văn hoá số. Chuyển đổi số tạo ra không gian sống mới - không gian số. Không gian mới thì hành xử mới. Không gian mới thì thói quen mới. Nhưng không gian mới vẫn phải kế thừa những giá trị cốt lõi từ truyền thống, từ lịch sử, từ văn hoá dân tộcBộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

CĐS thì cần văn hoá số. CĐS tạo ra không gian sống mới - không gian số. Không gian mới thì hành xử mới. Không gian mới thì thói quen mới. Nhưng không gian mới vẫn phải kế thừa những giá trị cốt lõi từ truyền thống, từ lịch sử, từ văn hoá dân tộc. Xây dựng văn hoá số trên không gian số là việc lâu dài, cần sự tuyên truyền, làm gương, sự thẩm thấu dần dần. Nếu không xây dựng được văn hoá số thì CĐS sẽ không bền vững.

CĐS thì cần an ninh, an toàn. Việt Nam muốn thịnh vượng thì phải thịnh vượng trên không gian mạng (KGM). Và phải bảo vệ được sự thịnh vượng đó trên KGM. Bảo vệ được người dân, doanh nghiệp, hạ tầng trọng yếu của mình trên KGM. Xây dựng và bảo vệ luôn là 2 mặt của một đồng xu. Muốn làm được việc đó thì Việt Nam phải là cường quốc về an toàn, an ninh mạng. Phải có các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng xuất sắc. Phải có vũ khí số hiện đại do Việt Nam làm chủ. Ngày 10/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia.

Chuyển đổi số tạo ra 3 cái rất đặc biệt. Một là không gian sống mới. Hai là tài nguyên mới (dữ liệu). Ba là lao động trí óc.Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Việt Nam cũng có 3 lợi thế rất đặc biệt để thực hiện cách mạng CĐS. Một là có Đảng lãnh đạo nên có thể huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân thực hiện thành công cách mạng CĐS. Hai là người Việt Nam rất có năng lực làm công nghệ số, làm chủ ứng dụng số, và từ đó làm chủ công nghệ số. Ba là người Việt Nam nhanh nhẹn trong chuyển đổi, trong ĐMST - vốn là cái căn bản của CĐS.