Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Để mang đến cho bạn đọc cái nhìn toàn cảnh trên lộ trình phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của tỉnh, từ hôm nay báo điện tử Hải Dương khởi đăng loạt bài “Chuyển đổi số toàn diện để thúc đẩy Hải Dương bứt phá”.
Hạ tầng số của tỉnh ngày càng hoàn thiện, hiện đạiTín hiệu khả quan
Hạ tầng số cơ bản cấu thành từ 3 yếu tố, gồm hạ tầng dữ liệu (trung tâm dữ liệu, nền tảng điện toán đám mây…) để cài đặt các ứng dụng; hạ tầng viễn thông phục vụ truyền dẫn thông tin (internet cáp quang, nền tảng 4G, 5G, internet kết nối vạn vật…); hạ tầng cho người dân, doanh nghiệp (máy tính, smartphone...).
Trung tâm Dữ liệu (DC) tỉnh với một hệ thống gồm 3 cloud server (máy chủ đám mây), 12 blade server (máy chủ tính toán dạng phiến) và 1 máy chủ quản trị/backup dữ liệu đang từng giây tính toán, xử lý dữ liệu cho hệ thống lưu trữ dữ liệu SAN, với tổng dung lượng lên tới 250 TB, cùng hệ thống thư viện băng từ (tape library) mở rộng dung lượng lưu trữ tối đa lên 384 TB. Toàn bộ thông tin được bảo mật thông qua thiết bị tường lửa internet và tường lửa lõi. DC của tỉnh là nơi cài đặt, vận hành phần mềm quản lý, theo dõi tiến độ công việc, được triển khai từ đầu tháng 3 vừa qua.
3 yếu tố cấu thành hạ tầng sốDC của tỉnh có 2 kho dữ liệu. Trong đó, một kho dữ liệu dành cho tổ chức, cá nhân phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, gồm dữ liệu kết quả giải quyết thủ tục hành chính, các thành phần hồ sơ đã được số hóa của tổ chức, cá nhân.
Kho thứ 2 là dữ liệu dùng chung, tập trung toàn bộ dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước do Sở Khoa học và Công nghệ quản trị, vận hành. Sau 1 tháng kích hoạt (từ đầu tháng 4/2025), kho này đã cập nhật hơn 80% cơ sở dữ liệu của các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị theo danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung.
Hiện 4 doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh, gồm Viettel, VNPT, FPT và MobiFone đều đặt máy trạm kết nối trực tiếp tới DC của từng doanh nghiệp đặt tại từng khu vực riêng.
Về hạ tầng truyền dẫn, từ cuối năm 2024, Viettel Hải Dương đã phát triển 70 trạm phát sóng 5G, phủ sóng tới nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh.
Ngoài các trạm phát sóng 5G đã lắp đặt, VNPT Hải Dương đang khảo sát và sẽ lắp thêm 100 trạm phát sóng 5G phủ sóng toàn tỉnh trong quý II/2025, hướng tới mục tiêu lắp đặt 223 trạm phát sóng 5G trong năm 2025.
Từ cuối tháng 3/2025 đến nay, MobiFone Hải Dương lắp 10 trạm phát sóng 5G, tập trung tại TP Hải Dương và huyện Cẩm Giàng.
Với hệ thống cáp quang băng rộng cố định, ngoài gần 4.000 tuyến cáp quang kết nối nội tỉnh, 4 doanh nghiệp viễn thông trên đang vận hành hàng trăm tuyến cáp quang kết nối liên vùng đến Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh. Các tuyến đều được khép mạng vòng (khép ring) kết nối đến tất cả các xã, thôn trên địa bàn tỉnh.
Hải Dương có tốc độ internet băng rộng cố định cao hơn mức bình quân chung cả nướcHạ tầng dữ liệu và hệ thống truyền dẫn là nền tảng trọng yếu trong quá trình chuyển đổi số của Hải Dương, góp phần quan trọng giải quyết thủ tục hành chính, nhất là các hồ sơ được khai thác lại thông tin. Qua đó tiết kiệm đáng kể thời gian cho cả cán bộ cũng như người dân, doanh nghiệp.
Theo thống kê tại Cổng dịch vụ công quốc gia, từ ngày 1/1 - 4/5/2025, tỷ lệ khai thác sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân đạt 5,56%, cao hơn 1,39 điểm % so với nửa tháng trước.
Biểu đồ số liệu hồ sơ tái sử dụng thông tin từ kho dữ liệuTrong tháng 4/2025, toàn tỉnh thu nhận 13.091 hồ sơ căn cước, 8.389 hồ sơ định danh điện tử, 5.365 tài khoản được kích hoạt. Toàn tỉnh đã thu nhận tổng số hơn 1.717.420 hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt gần 1.295.020 tài khoản.
Tiếp tục đầu tư, hoàn thiện
Hạ tầng số của tỉnh ngày càng hoàn thiện, hiện đại, đồng bộ như những "tuyến đường cao tốc băng băng xe chạy" song cũng còn một số lĩnh vực cần quan tâm đầu tư.
Theo ông Nguyễn Thành Vạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang, hệ thống máy tính cho các cơ quan nhà nước dù được trang bị đầy đủ, song không ít máy cấu hình thấp, ảnh hưởng tới việc truy cập các phần mềm triển khai nhiệm vụ.
Để các xã, phường mới sau sáp nhập hoạt động trơn tru, hiệu quả trên không gian mạng cần sự rà soát, chuẩn bị ngay từ lúc nàyÔng Nguyễn Trọng Việt, Phó Giám đốc VNPT Hải Dương cho biết tới đây khi hoàn thành sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, hợp nhất Hải Dương với TP Hải Phòng, nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng sẽ tăng cao, yêu cầu tốc độ đường truyền phải cao hơn, các thiết bị đầu cuối cũng phải tốt hơn.
"Ngay từ lúc này cần nghiên cứu ngay hạ tầng số tại những địa điểm dự kiến đặt trung tâm phục vụ hành chính cấp xã để sẵn sàng cho việc kết nối, phục vụ nhu cầu của người dân", ông Việt đề xuất.
Cần nghiên cứu triển khai kiosk dịch vụ công, mô hình đã được một số tỉnh như Lâm Đồng, Lạng Sơn thí điểm. Trong ảnh: Người dân sử dụng kiosk cấp số thứ tự tại bộ phận "một cửa" huyện Ninh GiangTheo thông tin từ Hệ thống đo tốc độ truy cập internet Việt Nam công bố mới đây, Hải Dương có tốc độ download, upload mạng băng rộng cố định ở mức cao hơn trung bình cả nước nhưng băng rộng di động lại chưa tốt. Do đó, cần nâng cấp hệ thống băng rộng di động để đáp ứng yêu cầu kết nối, xử lý công việc của người dân, doanh nghiệp. "Cần rà soát tổng thể hạ tầng số để hướng đến một xã hội số, công dân số, cũng như triển khai các ứng dụng thiết thực như internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI)…", ông Việt cho biết thêm.
Hải Dương đã triển khai Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC). Đây cũng là nơi đồng bộ dữ liệu từ phần mềm quản lý, theo dõi tiến độ công việc và đồng bộ dữ liệu báo cáo sang ứng dụng chỉ đạo, điều hành, được cài đặt trên điện thoại di động thông minh. Thời gian tới cần đẩy mạnh việc kết nối, tích hợp dữ liệu với các sở, ngành, địa phương để tổng hợp, phân tích giúp cho việc điều hành của lãnh đạo các cấp.
Việc bảo đảm an toàn dữ liệu cần đặc biệt quan tâm. Tỉnh đã triển khai Trung tâm Điều hành an ninh mạng (SOC) nhưng phạm vi giám sát chỉ với các thiết bị, ứng dụng DC của tỉnh. Cần mở rộng phạm vi triển khai toàn tỉnh để kịp thời đưa ra cảnh báo ngay khi xuất hiện nguy cơ về cuộc tấn công như có lưu lượng truy cập bất thường, có kết nối trái phép vào máy chủ hay hành vi dò quét trong mạng, qua đó sẽ chặn được các cuộc tấn công web hay DDoS, APT, bảo đảm an toàn tuyệt đối dữ liệu.
Hải Dương phấn đấu đến năm 2030 thuộc nhóm 20 địa phương dẫn đầu cả nước về ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo với tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở một số lĩnh vực quan trọng. Sóng 5G phủ tới 99% số dân toàn tỉnh. Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt 100%, giao dịch không dùng tiền mặt đạt 90%.