Thông tin chuyển đổi số
Quét mã QR tham quan di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương
28/03/2024 11:08:39

Dù mới đưa vào sử dụng từ Lễ hội mùa xuân năm 2024, công trình số hoá bản đồ quần thể di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (thị xã Kinh Môn, Hải Dương) đã phát huy hiệu quả.
 
Du khách quét mã QR tại di tích quốc gia đặc biệt Đền Cao An Phụ để tìm hiểu các thông tin về di tích

Với chiếc điện thoại thông minh trên tay, chị Nguyễn Thị Kim Liên ở xã Quang Húc, huyện Tam Nông (Phú Thọ) vừa vãn cảnh đầu năm tại di tích quốc gia đặc biệt Đền Cao An Phụ, vừa quét mã QR tìm hiểu tổng quan về di tích và những nét đặc sắc của lễ hội truyền thống gắn liền với công lao to lớn của An Sinh Vương Trần Liễu - nhân vật được tôn thờ tại đây. "Tài liệu ở mã QR này như một hướng dẫn viên du lịch đồng hành với tôi, cung cấp rất nhiều thông tin, rất tiện lợi”, chị Liên phấn khởi cho biết.

Nằm ngay dưới chân núi An Phụ, chùa Gạo gắn liền với tên tuổi của An Sinh Vương Trần Liễu và cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 3 của quân dân nhà Trần, nhưng nhiều năm qua, ngôi chùa này vẫn chưa được nhiều người biết đến. Thông qua bản đồ số hoá di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương mà gần đây, nhiều du khách về Kinh Môn đã biết và đến với chùa Gạo. Chị Nguyễn Thị Hải ở TP Bắc Ninh cho biết: “Thông qua bản đồ số hóa di tích, tôi biết về lịch sử hình thành chùa Gạo với hình ảnh đính kèm trong tư liệu rất phong phú. Ấn tượng với tôi là ngôi chùa đẹp và rất cổ kính, nằm giữa không gian núi rừng yên bình”.

Với tính năng của một cuốn cẩm nang du lịch số, công trình ứng dụng giải pháp công nghệ chuẩn hoá nội dung số, tạo thành mã QR để tổng hợp các tài liệu giới thiệu về di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, công trình Tượng đài Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn và chùa Gạo thuộc quần thể di tích quốc gia đặc biệt Đền Cao An Phụ. Các điểm mã QR được đặt, gắn ở nhiều nơi du khách dễ nhìn thấy. Du khách chỉ cần quét mã QR là sẽ có toàn bộ thông tin tổng thể về di tích, những giá trị lịch sử, văn hoá, khảo cổ học cùng những hướng dẫn về đường đi đến di tích thuận tiện nhất.

 
Thông qua bản đồ số hoá, nhiều du khách biết thêm về di tích lịch sử chùa Gạo thuộc quần thể di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương

Đây là lần thứ 2 ông Nguyễn Văn Bình ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) về tham quan di tích quốc gia đặc biệt chùa Nhẫm Dương. Vốn có niềm đam mê khảo cổ học, lần này khi trực tiếp sử dụng bản đồ số hoá di tích, ông Bình đã có được nhiều thông tin bổ ích tại ngôi chùa vốn được gọi là “Bảo tàng khảo cổ học lớn nhất Việt Nam”. “Hệ thống các thông tin, hình ảnh sắp xếp trong bản đồ số rất khoa học, tiện lợi, việc tra cứu thông tin khá đơn giản. Các di vật, cổ vật ở chùa này rất có ý nghĩa. Trong đó tôi ấn tượng với những đồng tiền cổ còn lưu giữ tại đây, gồm tiền Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Lào. Đây thực sự là những cổ vật rất có giá trị về mặt khảo cổ học mang ý nghĩa quốc tế”, ông Bình chia sẻ.

Bản đồ số hoá di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương đã góp phần tuyên truyền, quảng bá di tích lịch sử, văn hoá truyền thống của thị xã Kinh Môn đến với du khách thập phương. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ nâng cấp và làm phong phú hơn nội dung của bản đồ số hoá di tích. Ngoài đưa ảnh tĩnh, chúng tôi sẽ xây dựng các video, clip với hình ảnh sinh động, giới thiệu, quảng bá di tích và lộ trình tham quan từ di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương đến làng nghề truyền thống, vùng nông sản nổi tiếng trên địa bàn thị xã Kinh Môn, từ thị xã Kinh Môn đến các điểm du lịch nổi tiếng như Côn Sơn - Kiếp Bạc (Chí Linh); Yên Tử, Ngọa Vân, lăng mộ nhà Trần (Quảng Ninh), Bạch Đằng Giang (Hải Phòng) nhằm thu hút nhiều hơn du khách về với Kinh Môn”, ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng Ban Tuyên giáo Thị uỷ Kinh Môn, đơn vị chủ trì thực hiện số hoá di tích trên địa bàn thị xã cho biết.