Thông tin chuyển đổi số
Thủ tướng: "Chuyển đổi số là xu thế bắt buộc, không thể đảo ngược"
19/07/2024 03:49:26

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chuyển đổi số đã đến "từng ngõ, từng nhà, từng người", kinh tế số thẩm thấu vào mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và làm thay đổi hoạt động kinh tế - xã hội.

Sáng 19/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính (Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số) chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số. Hội nghị được truyền trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Nhắc lại tinh thần Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Thủ tướng nhấn mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhiệm kỳ này và nhiệm kỳ tiếp theo.

Đảng cũng xác định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những đột phá trong phát triển.
 

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định chuyển đổi số là xu thế không thể đảo ngược (Ảnh: Đoàn Bắc).

Với Việt Nam, Thủ tướng khẳng định định hướng ưu tiên cho tăng trưởng nên cần làm mới các động lực tăng trưởng cũ (tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới gồm kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.

"Chúng ta cũng nhận thức, lực lượng sản xuất chất lượng cao chính là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Ai nắm bắt được lĩnh vực này thì đi nhanh hơn, đột phá hơn, hiệu quả hơn", Thủ tướng chia sẻ.

Ông khẳng định chuyển đổi số đã trở thành xu thế bắt buộc, không thể đảo ngược ở bình diện quốc tế, khu vực, quốc gia. Chuyển đổi số đã đến "từng ngõ, từng nhà, từng người", kinh tế số thẩm thấu vào mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, làm thay đổi cơ bản, sâu sắc các hoạt động kinh tế - xã hội.

Nhắc lại bối cảnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đặc biệt giai đoạn đối mặt với đại dịch Covid-19, Thủ tướng ghi nhận việc tổ chức các hội nghị trực tuyến rất tốt, hiệu quả, họp không kể thời gian, không giới hạn số lượng người tham dự. Đây là nỗ lực lớn, có tác dụng lớn, đỡ tốn kém chi phí, theo Thủ tướng.

Theo người đứng đầu Chính phủ, Đảng đã đề cập sâu sắc về chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và mang tính đột phá chiến lược.

Bộ Chính trị cũng ban hành Nghị quyết 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

 

Các đại biểu tham dự phiên họp (Ảnh: Đoàn Bắc).

Nhiệm vụ quan trọng hiện nay, theo Thủ tướng, là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy các động lực tăng trưởng để hoàn thành mục tiêu lớn đã đề ra trong nhiệm kỳ này.

Ông nhấn mạnh các vấn đề trên đều có quan hệ mật thiết với chuyển đổi số nên cần chuyển đổi số một cách toàn diện, toàn dân, toàn diện với sự tham gia, đồng hành tích cực của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế.

"Chúng ta cần quán triệt tinh thần này để tiếp tục thực hiện hiệu quả chuyển đổi số vì đã làm được nhiều việc nhưng còn nhiều việc cần phải làm", Thủ tướng nói.

Ông đề nghị các đại biểu dự hội nghị thảo luận, thống nhất nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình hay, cách làm tốt, thống nhất về tư tưởng, hành động, tầm nhìn trong chuyển đổi số, để quyết tâm đầu tư, "bắt kịp, tiến cùng, vượt lên" trong thế giới đầy biến động, nhất là kinh tế số.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam tăng dần

Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông - Cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cho biết, theo đánh giá của thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam tăng dần qua các năm.

Nếu năm 2020, Việt Nam chỉ đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế số, thì năm 2021 đứng thứ 3 và hai năm tiếp theo 2022, 2023 đứng thứ 1. Cụ thể, báo cáo của Google xác định kinh tế số Việt Nam năm 2022 tăng trưởng 28%, 2023 đạt 19%, cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP.

Báo cáo về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) năm 2022 xếp Việt Nam hạng 55 toàn cầu, trong khi Singapore xếp thứ 2, Malaysia 29, Thái Lan 31. Về xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 25/194 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng.