Thành phố Hải Dương hiện có 16 di tích được gắn mã QR gồm 4 di tích cấp tỉnh và 12 di tích cấp quốc gia.
Quét QR Code mang đến trải nghiệm mới mẻ cho người dân, du khách. (Ảnh: Vietnamplus/TTXVN).
TTXVN - Mở đầu là việc số hóa các thông tin về di tích Côn Sơn tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc (thành phố Chí Linh) thông qua việc gắn mã QR, đến nay, tuổi trẻ Hải Dương đã triển khai gắn mã QR ở 24 di tích, mang đến trải nghiệm mới mẻ cho người dân, du khách khi đến với các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh.
Tháng 3/2022, lần đầu tiên, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Hải Dương đã hoàn thành công trình số hóa các thông tin về di tích Côn Sơn. Quét mã QR, người xem được chiêm ngưỡng các điểm di tích thông qua hình ảnh toàn cảnh (panorama), hình ảnh 360 độ rất sinh động.
Việc được tiếp nhận thông tin thuyết minh tự động cũng giúp hành trình trải nghiệm của du khách khi đến tham quan Côn Sơn trở nên thú vị và ý nghĩa hơn. Sau khi thí điểm ở di tích Côn Sơn, cách làm đã được đánh giá hiệu quả và nhân rộng ở những địa phương khác.
Vẻ đẹp cổ kính của cầu Thấu Ngọc trong chùa Côn Sơn, thuộc Khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN).
Thành phố Hải Dương hiện có 16 di tích được gắn mã QR gồm 4 di tích cấp tỉnh và 12 di tích cấp quốc gia. Khi tới với cụm di tích Đền – Đình Sượt (phường Thanh Bình), du khách có thể dễ dàng thấy biển gắn mã QR được đặt phía tay trái cổng đền. Nhân dân và du khách đến đây chỉ bằng chiếc smartphone, quét mã QR chưa đến 1 phút đã được cung cấp các thông tin đầy đủ, chi tiết về lịch sử hình thành di tích, những nét độc đáo về kiến trúc nghệ thuật của công trình cùng nhiều hình ảnh sinh động về quang cảnh, lễ hội gắn với di tích. Việc cung cấp thông tin bằng tiếng Việt và tiếng Anh, mã QR còn là cách hiệu quả giúp lan tỏa các giá trị văn hóa của di tích đến với du khách quốc tế.
Công trình “Hệ thống mã QR giới thiệu thông tin các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn thành phố Hải Dương” là một hoạt động thiết thực của Thành đoàn Hải Dương hưởng ứng công cuộc chuyển đổi số, nhằm giới thiệu và quảng bá “các địa chỉ đỏ”.
Tại huyện Nam Sách, mới đây, Huyện đoàn vừa hoàn thành công trình mã QR giới thiệu di tích Đền Long Động và Lễ hội truyền thống đền Long Động. Di tích này thờ 3 danh nhân khoa bảng họ Mạc là Trạng nguyên Mạc Hiển Tích, Mạc Kiến Quan (em ruột của Trạng nguyên Mạc Hiển Tích) và Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Việc hoàn thành và bàn giao công trình vào đúng thời điểm rất ý nghĩa khi sắp diễn ra Lễ hội đền Long Động. Năm nay, lần đầu tiên lễ hội được tổ chức quy mô cấp huyện.
Cùng với thành phố Hải Dương và huyện Nam Sách, một số di tích ở các huyện Gia Lộc, Thanh Hà cũng được gắn mã QR. Theo chị Dương Thị Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Hải Dương, việc triển khai các công trình gắn mã QR tại các di tích đã thể hiện vai trò tiên phong của tuổi trẻ trong chuyển đổi số. Sau một thời gian, mô hình này ngày càng lan tỏa. Hiệu quả của việc quảng bá, tuyên truyền các giá trị của di tích lịch sử ngày càng cao. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Hải Dương sẽ tiếp tục chỉ đạo và hướng dẫn để các huyện, thị, thành Đoàn đẩy mạnh triển khai mô hình này trong thời gian tới.
Việc sử dụng mã QR đang trở thành xu hướng phổ biến giúp việc cung cấp thông tin hiệu quả hơn cho khách du lịch nhờ ứng dụng thành tựu của công nghệ thông tin, từ đó mang đến trải nghiệm mới theo hướng du lịch thông minh. Việc làm của tuổi trẻ Hải Dương góp phần từng bước thúc đẩy việc số hóa dữ liệu du lịch, thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa du lịch, từ đó giúp quảng bá thông tin di tích nói riêng, các giá trị, tiềm năng, thế mạnh của đất và người Hải Dương nói chung tới bạn bè trong nước, quốc tế./.