Dạo chơi trên không gian ảo
Khu vực UBND xã Đoàn Tùng và thôn Tiêu Sơn, xã Thanh Giang (Thanh Miện) là 2 vị trí được Viettel Hải Dương lắp trạm 5G vào đúng ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10 vừa qua.
Là một người đam mê nội dung số, chị Nguyễn Thị Luyên, sinh năm 1974 ở thôn Đào Lâm, xã Đoàn Tùng thường xuyên tìm hiểu thông tin về 5G. Điểm khác biệt của mạng 5G nằm ở khả năng phục vụ những thứ theo thời gian thực (realtime). Nhờ vào tốc độ cao và độ trễ thấp, mạng 5G cho phép truyền dữ liệu với tốc độ gần như thời gian thực, cho khả năng kết nối đồng thời hàng triệu thiết bị.
“Một năm trước, tôi và vài người bạn lập một kênh YouTube để cùng thử sức trong lĩnh vực sản xuất nội dung số. Song mỗi lần tải video đã qua chỉnh sửa lên kênh mất khá nhiều thời gian. Ngoài ra, vì phải phụ thuộc chủ yếu vào đường truyền internet tại nhà nên chúng tôi gặp hạn chế mỗi khi có ý tưởng livestream cuộc sống nông thôn. Nay với gói cước 5G vừa đăng ký, chúng tôi đang lên kế hoạch sẽ sản xuất những video độ nét 4K cũng như các cuộc livestream về cuộc sống thôn quê”, chị Luyên cho biết.
Khu vực xã Cộng Lạc là điểm duy nhất trên địa bàn huyện Tứ Kỳ có một trạm 5G của Viettel. Dù đã hơn 60 tuổi nhưng với 5G, ông Đào Văn Chỉ ở thôn Hàm Hy vẫn háo hức chẳng khác lớp người trẻ là bao.
“Ngày 15/10 tôi nhờ người thân đăng ký gói cước 5G để sử dụng. Qua các phương tiện truyền thông, tôi biết tốc độ truy cập mạng qua sóng 5G rất cao, đến khi trải nghiệm thực tế mới cảm nhận rõ điều này. Dù chủ yếu chỉ dùng 5G để cùng các cháu xem YouTube hay gọi Zalo cho họ hàng ở xa, nhưng thực sự rất khác so với 4G mà tôi từng dùng. Gần như không còn tình trạng giật, khựng hay trễ hình, kể cả khi tua video”, ông Chỉ chia sẻ.
Với số lượng trạm 5G nhiều nhất tỉnh, người dân ở TP Hải Dương dễ dàng hơn trong trải nghiệm 5G so với nhiều địa phương khác. Thậm chí, không ít người vẫn duy trì chế độ truy cập 5G trên smartphone thay vì sử dụng wifi ngay cả khi ở những nơi có wifi.
“Cuối tháng 9/2022, Viettel Hải Dương triển khai phát sóng thử nghiệm cụm 4 trạm 5G đầu tiên ở một số khu vực trên địa bàn thành phố. Tiếc là những trạm ấy ở xa nhà tôi. Đến nay gia đình tôi mới được trải nghiệm 5G tận nhà. Vốn là người yêu thích công nghệ nên với 5G, tôi có thể làm rất nhiều thứ chỉ từ một chiếc smartphone. Giờ thì cả 4 chiếc smartphone của mọi người trong gia đình tôi đều đăng ký gói cước 5G”, anh Lê Văn Hoan ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) chia sẻ.
Một cách dễ hiểu hơn có thể mô tả rằng mạng 2G hướng tới mục tiêu mỗi người dân sở hữu một điện thoại di động, với 4G mỗi người dân sở hữu một điện thoại thông minh, còn 5G sẽ hướng đến mỗi người dân sở hữu một smartphone siêu tốc độ - siêu kết nối.
Do vậy, với 5G dù xem phim, lướt web hay chỉ đơn giản là thực hiện những công việc hằng ngày như kiểm tra email, đăng nội dung Facebook… cũng mang đến trải nghiệm khác lạ.
Đó cũng là lý do giúp lượng thuê bao 5G tăng nhanh. Theo thống kê từ nhà mạng Viettel, sau 15 ngày ra mắt, đến ngày 31/10 đã có 3 triệu người dùng mạng 5G Viettel trên phạm vi toàn quốc. Với 4G thời điểm ra mắt 7 năm trước, phải mất một tháng Viettel mới đạt mốc 3 triệu thuê bao đăng ký. Riêng Hải Dương, sơ bộ đến ngày 6/11 đã có hơn 7.000 thuê bao đăng ký gói cước 5G.
Cần thêm thời gian
Tuy nhiên, với nhiều người dân Hải Dương, công nghệ 5G chủ yếu dừng lại ở việc trải nghiệm là chính. Theo chị Lê Thị Ngọc ở phường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương), tốc độ truy cập internet của mạng 4G tuy thấp hơn 5G, song so với những nhu cầu hiện tại vẫn cơ bản bảo đảm.
“Thanh toán từ ứng dụng ngân hàng điện tử, đọc báo, lướt Facebook, Zalo, hay xem YouTube, TikTok, chỉ với những nhu cầu này thì 4G vẫn đáp ứng được, chưa cần phải sử dụng đến 5G. Hơn nữa, không phải điện thoại nào cũng bật được tính năng 5G, trong khi smartphone hiện tại gần như máy nào cũng bật được 4G. Do vậy gia đình tôi chưa nghĩ đến việc đăng ký 5G”, chị Ngọc cho biết.
Ngoài ra, cũng như 4G, để có thể truy cập mượt mà 5G thì thiết bị thu sóng phải trong vùng phủ của trạm phát sóng. Song trên địa bàn tỉnh, so với mạng lưới dày đặc hàng nghìn trạm 4G, mạng 5G chỉ mới có 70 trạm của Viettel, tập trung chủ yếu tại TP Hải Dương với 49 trạm, Cẩm Giàng 13 trạm, Kim Thành 4 trạm, Thanh Miện 2 trạm, TP Chí Linh 1 trạm, Tứ Kỳ 1 trạm.
VNPT mới có 1 trạm triển khai thí điểm. Vùng phủ sóng 5G vì vậy còn nhiều vùng “lõm sóng”, chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.
Cũng vì thế, có đến gần 70% trong số hơn 7.000 thuê bao 5G nhắc đến ở trên tập trung ở khu vực TP Hải Dương, nơi có 70% số trạm 5G toàn tỉnh.
Hạn chế về trạm phát kéo theo sự phập phù trong truy cập mạng 5G. Hơn nữa, ngoài Viettel Hải Dương, hai nhà mạng lớn còn lại trên địa bàn tỉnh là VNPT và MobiFone chưa triển khai phát sóng công nghệ truyền dẫn thế hệ thứ 5 này. Những điều này ảnh hưởng không nhỏ tới trải nghiệm của người dân trong sử dụng 5G, nhất là với thuê bao của VNPT và MobiFone.
“Chúng tôi đang vận hành thử nghiệm 1 trạm 5G lắp tại cột ăng ten trung tâm ở khu vực Quảng trường Độc Lập, với bán kính phủ 1 km. Khi hoạt động ở khu vực này, thuê bao VinaPhone sẽ nhận được tin nhắn thông báo mời trải nghiệm dịch vụ miễn phí. Trong thời gian tới, VNPT Hải Dương sẽ triển khai lắp đặt 30 trạm phát sóng 5G, tập trung ở TP Hải Dương và trung tâm các huyện, thị xã, thành phố còn lại của tỉnh”, ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm kinh doanh VNPT Hải Dương thông tin.
Với MobiFone Hải Dương, bên cạnh việc đầu tư mới hạ tầng 5G, nhà mạng này cho biết sẽ có kế hoạch hợp tác chia sẻ hạ tầng với các nhà mạng khác trên địa bàn tỉnh. Từ đó nhanh chóng phủ sóng, cung cấp dịch vụ 5G trên địa bàn tỉnh trong tháng 11/2024.
Tuy nhiên, triển khai lắp đặt trạm 5G là một chuyện, phủ kín sóng 5G lại là chuyện khác. Chi phí, thời gian đầu tư và xây dựng trạm 5G tốn hơn nhiều lần so với trạm 4G. Kích thước, khối lượng thiết bị trên trạm 5G lớn hơn trạm 4G, điện năng tiêu thụ của mỗi trạm 5G cũng cao hơn nhiều lần so với trạm 4G. Do vậy, cần cải tạo cột treo và hệ thống điện cho mỗi trạm 5G.
Theo một số chuyên gia công nghệ thông tin, với 2G chỉ cần 20.000 trạm để phủ 100% diện tích Việt Nam; 3G cần 30.000 – 35.000 trạm; 4G cần khoảng 40.000 – 60.000 trạm, nhưng 5G cần vài trăm nghìn trạm, thậm chí hàng triệu trạm. Do vậy, để có mạng 5G phục vụ toàn xã hội là một thách thức không hề nhỏ.
Hơn nữa, mạng 4G vẫn đang đáp ứng tốt cho các dịch vụ của người dân, gia đình. Trong khi đó, mạng 5G hướng tới nhóm doanh nghiệp, nhà máy sản xuất thông minh. Đặc tính của 5G là giúp các thiết bị tự động sản xuất chính xác, nhất là các ứng dụng liên quan đến công nghệ trí tuệ nhân tạo. Không phải bất kỳ dịch vụ số nào cũng cần 5G. Việc phát triển, phủ kín 5G vì thế cần thêm thời gian.
Đại diện Viettel Hải Dương cho biết ngay cả khi điện thoại của người dân tự nhận sóng 5G (màn hình hiển thị sóng 5G) thì thực tế, thiết bị đó vẫn hoạt động theo gói cước 4G hiện hành, kể cả thuê bao trả trước hay trả sau. Nghĩa là cước phí vẫn được tính theo gói cước đã đăng ký, không bị phát sinh thêm bất kỳ khoản cước phí nào khác.
Tuy nhiên, khi điện thoại hiện sóng 5G, tốc độ và lưu lượng truy cập dữ liệu sẽ nhanh hơn nhiều lần so với 4G. Do đó, lưu lượng dữ liệu của gói cước hiện hành sẽ tiêu hao nhanh hơn.
Người dân cần lưu ý, khi hết lưu lượng dữ liệu tốc độ cao, tùy theo gói cước đã đăng ký, người dân được tiếp tục truy cập mạng tốc độ cao song sẽ mất phí (dùng thêm bao nhiêu trả phí bấy nhiêu), hoặc truy cập mạng với tốc độ thấp. Người dân cần hiểu rõ loại gói cước đã đăng ký, tránh tình trạng mất phí bổ sung khi sử dụng hết lưu lượng dữ liệu.