Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ rõ: “Dịch vụ công trực tuyến là cái cốt lõi nhất của Chính phủ điện tử. Xong dịch vụ công trực tuyến thì tức là xong giai đoạn Chính phủ điện tử, để chuyển sang giai đoạn Chính phủ số. Thế nào là xong dịch vụ công trực tuyến? Xong tức là tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công được xử lý trực tuyến toàn trình đạt ít nhất 70% tại từng bộ ngành và địa phương”.
Ðánh giá về việc triển khai dịch vụ công trực tuyến thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số nhận xét: “Nhận thức và hành động về nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã có nhiều chuyển biến tích cực. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính tăng từ 90% năm 2022 lên 93% vào tháng 8/2024”.
Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số đã xác định tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở mức độ cao trên thế giới, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu theo xếp hạng của Liên hợp quốc.
Nỗ lực của Việt Nam trong phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số đã được quốc tế ghi nhận, khi chỉ số Chính phủ điện tử - EGDI 2024 của Việt Nam tăng tiếp 15 bậc so với năm 2022, trong đó dịch vụ công trực tuyến xếp ở mức cao, hạng 75/193.
Thực tế, sau 2 giai đoạn khởi động và phát triển theo chiều rộng trong hơn 20 năm qua, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến tại Việt Nam đang chuyển sang tập trung vào chiều sâu, với yêu cầu dịch vụ phải trực tuyến toàn trình, nghĩa là người dân có thể tự làm và không phải đến cơ quan nhà nước.
Theo Bộ TT&TT, dịch vụ công trực tuyến toàn trình mang lại hiệu quả thực sự khi người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện đơn giản, thuận tiện toàn bộ quy trình trên môi trường mạng và không phải hiện diện tại cơ quan nhà nước, thể hiện thông qua tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình.
Tuy vậy, đến nay việc triển khai dịch vụ công trực tuyến tại Việt Nam đã có thành công nhưng không đồng đều giữa các bộ ngành, địa phương. Bên cạnh những đơn vị đạt kết quả cao, vẫn còn nhiều đơn vị đạt kết quả rất thấp, đặc biệt là hồ sơ trực tuyến toàn trình.
Một số địa phương đạt tỷ lệ cao lên tới 69%, tiệm cận với tỷ lệ của các nước phát triển; trong khi đó vẫn còn nhiều địa phương đạt tỷ lệ rất thấp, dưới 5%.
Theo số liệu của bộ phận thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, tính đến ngày 20/11/2024, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình đủ điều kiện đạt 100%.
Toàn bộ 83 bộ, tỉnh đều đã ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần theo Nghị định 42 năm 2022 của Chính phủ.
Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của cả nước đạt 44,99%, trong đó khối bộ đạt tỷ lệ 62,48%, khối tỉnh đạt tỷ lệ 18,26%.
Tập trung phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, được tổ chức hồi cuối tháng 8 ở Ðà Nẵng, Bộ TT&TT đã đề xuất, trong giai đoạn phát triển theo chiều sâu, các bộ, tỉnh cần tập trung phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình tới mọi người dân, doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, có 6 bài học quan trọng khi làm dịch vụ công trực tuyến, đó là: Ðặt mục tiêu đúng; vai trò mang tính quyết định của người đứng đầu; lên môi trường số thì phải dùng quy trình số; mobile hóa; sự hỗ trợ trực tiếp của chính quyền đến từng người dân; các chính sách hỗ trợ, ưu tiên, khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Việc phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình sẽ đưa mọi hoạt động của công chức, viên chức lên môi trường mạng. Khi đó, các cơ quan nhà nước có đầy đủ dữ liệu số để chỉ đạo, điều hành trực tuyến và dựa trên dữ liệu.
Với vai trò là đầu mối điều phối các nhiệm vụ Chương trình chuyển đổi số quốc gia, giữa tháng 10/2024, trên cơ sở tổng hợp mô hình thành công của một số bộ, ngành, địa phương, Bộ TT&TT đã có “Khung triển khai dịch vụ công trực tuyến” hướng dẫn các bộ, tỉnh phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Nêu rõ mục tiêu đến hết năm 2025 tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình cần đạt 85% với bộ, ngành và 70% với địa phương, Bộ TT&TT đề nghị các bộ, tỉnh quyết liệt triển khai các giải pháp để phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Tái cấu trúc quy trình, thành phần hồ sơ trong thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; phát triển hạ tầng số; xây dựng kho dữ liệu số; đào tạo nhân lực số; bảo đảm an toàn, an ninh mạng; đo lường, giám sát trực tuyến là 7 nội dung chính của “Khung triển khai dịch vụ công trực tuyến”.
Cùng với đó, ngày 17/12/2024, Bộ TT&TT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Ðề án “Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao chất lượng về cung cấp và sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Ðây là căn cứ quan trọng để các bộ, ngành, địa phương triển khai hoạt động tuyên truyền, phổ biến về dịch vụ công trực tuyến một cách thường xuyên, liên tục, đảm bảo có trọng tâm và phù hợp từng đối tượng, địa bàn.