Phấn đấu đến năm 2025 đưa Hải Dương thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số
Trong những năm qua, tỉnh Hải Dương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện cải cách hành chính, cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân và doanh nghiệp, bước đầu đã mang lại một số kết quả thiết thực.
Trong đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị của tỉnh đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp được triển khai đồng bộ và liên thông 4 cấp gắn với việc sử dụng hộp thư điện tử công vụ và chữ ký số chuyên dùng. Hệ thống một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh đã được triển khai đồng bộ và kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia, cổng hỗ trợ thanh toán trực tuyến quốc gia.
Tính đến 31/12/2020, Cổng dịch vụ công trực tuyến đang cung cấp 1.588 dịch vụ công mức độ 3 và 343 dịch vụ công mức độ 4 trên một số lĩnh vực đã góp phần hiện đại hóa công tác quản lý, đảm bảo chính xác, kịp thời trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng thông tin của tỉnh được quan tâm đầu tư theo hướng hiện đại. Toàn tỉnh có 1.398.424 điện thoại smartphone/1.929.691 dân; có hơn 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông. Đường truyền số liệu chuyên dùng, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai từ tỉnh đến cấp huyện và đang triển khai đến cấp xã.
Trên cơ sở những lợi thế sẵn có của địa phương, Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương xác định nhiều mục tiêu quan trọng. Trong đó, hướng đến xây dựng đồng bộ chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số thực sự trở thành động lực quan trọng, quyết định thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển nhanh và bền vững, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan trong hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân.
Phấn đấu đến năm 2025 đưa Hải Dương thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; đến năm 2030 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.
Về các mục tiêu cụ thể, địa phương phấn đấu đến năm 2025, về phát triển chính quyền số: 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Phấn đấu đến hết năm 2021, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4. Mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công đạt tối thiểu 95% vào năm 2025.
Ngoài ra, Hải Dương phấn đấu, 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Đồng thời, 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và cấp xã báo cáo định kỳ về chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện trên hệ thống phần mềm báo cáo của tỉnh, kết nối với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
Bên cạnh đó, về phát triển kinh tế số, phấn đấu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP); tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%; phấn đấu có trên 700 doanh nghiệp công nghệ số.
Về phát triển xã hội số, đến năm 2025, Hải Dương phấn đấu hạ tầng mạng băng thông rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% đơn vị hành chính cấp xã. Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh. Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cần chủ động trong chỉ đạo các giải pháp chuyển đổi số
Nhằm đạt được các mục tiêu theo Nghị quyết đề ra, Tỉnh ủy Hải Dương đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quán triệt, triển khai, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án của Trung ương và của tỉnh về chuyển đổi số. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp cần chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các giải pháp chuyển đổi số gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Đi cùng với đó, cần phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng công cuộc chuyển đổi số tại địa phương. Tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp cùng tham gia góp ý, giám sát và sử dụng các dịch vụ, tiện ích do chuyển đổi số mang lại.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về sự cấp thiết và lợi ích thiết thực của chuyển đổi số. Tuyên truyền, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức và người dân sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng có hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông.
Ngoài ra, cần xây dựng chiến lược chuyển đổi số của tỉnh theo hướng toàn diện, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế của địa phương gắn với khai thác và phát huy hiệu quả các tiềm năng riêng có, lợi thế khác biệt và nổi trội của tỉnh Hải Dương.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về chuyển đổi số; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin hiện có, đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu để trở thành các chuyên gia nòng cốt tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp về chuyển đổi số.
Quan tâm thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số của tỉnh. Chủ động liên kết với các viện, trường, trung tâm nghiên cứu và các đối tác trong và ngoài nước để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số của tỉnh.
Song song với đó, đẩy mạnh triển khai và thực hiện quyết liệt các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tập trung ứng dụng công nghệ thông tin để cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng thời thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
Từng bước triển khai xây dựng các cấu phần của đô thị thông minh như: hệ thống giám sát an ninh thông minh, giao thông thông minh, số hóa các lĩnh vực tài nguyên, môi trường, giáo dục, y tế, văn hoá,… tiến tới xây dựng các khu phố thông minh, thành phố thông minh. Triển khai thí điểm khu dân cư thông minh, xã nông thôn mới thông minh, khu công nghiệp thông minh.
Tỉnh ủy Hải Dương đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng quán triệt và triển khai sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện Nghị quyết phù hợp với đặc điểm, tình hình của ngành, địa phương, đơn vị và chức năng, nhiệm vụ được giao./.