Công nghệ hỗ trợ hiệu quả
Làm nhiệm vụ đưa số liệu hiện vật của Bảo tàng tỉnh từ những cuốn sổ cũ lên phần mềm, chị Hà Thị Hằng, nhân viên Phòng Trưng bày cẩn trọng xem xét lại từ số hiệu, chất liệu, niên đại… rồi mới nhập lưu trữ vào phần mềm Quản lý hiện vật bảo tàng và di tích theo mẫu của Cục Di sản văn hóa cung cấp.
“Với số lượng hiện vật lớn, cần nhiều thời gian để nhập lại trên phần mềm, nhưng về lâu dài việc này sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn, giúp tăng cường công tác quản lý, giảm thiểu sự xuống cấp của tài liệu gốc. Thông qua việc phân loại hiện vật trên phần mềm lưu trữ còn giúp cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác, tra cứu hiện vật phục vụ trưng bày…”, chị Hằng cho biết.
Bảo tàng tỉnh Hải Dương hiện lưu giữ trên 52.000 tư liệu, hiện vật với nhiều chất liệu khác nhau như: đồ đồng, đồ gốm, đồ đá, đồ gỗ, giấy... Trong đó phải kể đến một số hiện vật quý như: Trống đồng Hữu Chung thuộc văn hóa Đông Sơn (được công nhận là Bảo vật quốc gia), bộ sưu tập gốm Cù Lao Chàm, gốm Chu Đậu, súng thần công, tháp mộ Huyền Quang, mộ Hán... Mỗi năm, Bảo tàng tỉnh tiếp nhận thêm hàng trăm tài liệu, hiện vật phục vụ trưng bày, tham quan, nghiên cứu của nhân dân.
Trước đây, với khối lượng hiện vật đồ sộ này, việc cập nhật hiện vật phải làm hoàn toàn thủ công gây khó khăn trong việc tra cứu.
Nhưng hiện nay, với sự hỗ trợ của phần mềm quản lý theo chuyên đề, bộ sưu tập, niên đại… đã giúp công tác tra cứu thuận lợi, việc kiểm kê và bảo quản hiện vật tốt hơn.
Đến nay, đã có trên 15.500 hiện vật, tư liệu, phim ảnh của Bảo tàng tỉnh được cập nhật đầy đủ thông tin trên phần mềm.
Bên cạnh việc triển khai áp dụng số hoá cho tư liệu, hiện vật, những năm gần đây Bảo tàng tỉnh còn ứng dụng trình chiếu các phim tư liệu, clip ngắn giới thiệu, làm rõ hơn hiện vật liên quan đến từng cuộc trưng bày. Như cuộc trưng bày về thời kỳ tiền sơ sử, phim tư liệu thời kỳ bao cấp, clip ngắn giới thiệu về trống đồng Hữu Chung…
Nâng cao ứng dụng
Tuy mới chỉ là bước tiếp cận ban đầu trong ứng dụng số hóa tại Bảo tàng nhưng đã thấy rõ lợi ích. Đây cũng là bước đệm quan trọng trong việc tiếp tục tăng cường đầu tư ứng dụng số hóa, công nghệ ở Bảo tàng tỉnh trong thời gian tới.
Theo Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nguyễn Thị Huê, trong thời đại công nghệ số, việc số hóa bảo tàng đang trở thành một xu hướng tất yếu. Công tác số hóa bảo tàng không chỉ giúp bảo tồn và phục hồi các tài liệu, hiện vật quý giá mà còn giúp công chúng có thể tiếp cận với những tài liệu, hiện vật này nhanh và dễ dàng dù ở bất cứ đâu, đặc biệt là giới trẻ. Với việc sử dụng công nghệ số, bảo tàng có thể tạo ra trải nghiệm tương tác, giúp mọi người khám phá và tìm hiểu về các tài liệu, hiện vật thú vị và sinh động hơn.
Trong thời gian tới bảo tàng sẽ đầu tư xây dựng bảo tàng ảo 3D để giới thiệu rộng rãi tới công chúng. Đồng thời tiếp tục số hóa, trong đó ưu tiên thực hiện số hóa các bảo vật quốc gia, hiện vật và sưu tầm hiện vật tiêu biểu.
Về lâu dài, Bảo tàng tỉnh sẽ đầu tư áp dụng công nghệ 3D, 4D, thuyết minh tự động... giúp người dân có thể quét mã QR để tiếp cận được nhiều hơn, kỹ hơn các hiện vật, tư liệu. Để thực hiện các nội dung trên Bảo tàng tỉnh cần có sự đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, phần mềm và nhân lực.